Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Thành tựu, cơ hội và thách thức” được tổ chức mới đây, diễn giả chính tại hội thảo - ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang bước vào quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0,thì song hành với cơ hội, sự cạnh tranh cũng rất lớn.
Nhìn nhận về sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với ngành bảo hiểm, ông Lộc cho rằng, cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi thị trường lao động và dịch vụ ngành bảo hiểm, bởi khi mọi việc được “công nghệ hóa”, thì số lượng nhân viên, cũng như đại lý bảo hiểm ắt sẽ giảm đi.
Theo ông Lộc, trong tương lai không xa, mọi sản phẩm bảo hiểm sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý, cũng như tại từng doanh nghiệp. Thậm chí, khi đi đến ngân hàng, khu chung cư, trung tâm thương mại hay những nơi công cộng, sẽ có nhiều màn hình chiếu clip quảng cáo về các sản phẩm bảo hiểm.
“Với công nghệ hiện đại, khách hàng chỉ cần nêu yêu cầu thì trên màn hình sẽ xuất hiện hàng loạt các sản phẩm bảo hiểm tương ứng. Cùng với đó, khi bảo hiểm trở nên phổ biến, việc phân tích và lựa chọn sản phẩm bảo hiểm sẽ trở nên dễ dàng”, ông Lộc chia sẻ.
“Hiện thị trường có 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp Việt Nam), 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (trong đó có 16 doanh nghiệp Việt Nam), trong bối cảnh hội nhập, sự canh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày một khốc liệt. Dù vậy, chế độ quản lý nhà nước ngày càng hoàn thiện, số lượng sản phẩm và kênh phân phối được mở rộng, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày một vững mạnh… sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp”, ông Lộc nói.
Trong bối cảnh cạnh tranh, theo các chuyên gia tham gia hội thảo, các doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết kế chi tiết mỗi rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm phải rất đa dạng để khách hàng lựa chọn.
“Cũng tương tự như việc mua vé máy trực tuyến hiện tại, khi điều trị tại bệnh viện, khách hàng có thể lựa chọn quyền lợi được trả tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm sẽ được tính tự động, hợp đồng bảo hiểm cũng được in ra tự động và lưu trữ trên cơ sở dữ liệu điện tử được cơ quan quản lý công nhận tính hợp pháp...”, một chuyên gia nêu ví dụ.
Liên quan đến khâu thanh toán, theo các chuyên gia, việc trả phí bảo hiểm sẽ không còn dùng tiền mặt, mà nhà bảo hiểm sẽ ủy quyền cho ngân hàng thu phí hộ, hoặc khách hàng có thể chủ động thanh toán thông qua các dịch vụ thanh toán điện tử...
Thực tế, trong khi cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thì ngành bảo hiểm dường như đang “bắt nhịp” chậm. Đây cũng là điều được các chuyên gia cảnh báo.
“Hệ thống công nghệ của toàn thị trường nói chung, từng doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, nhất là khối phi nhân thọ, nếu không sớm cải tiến thì sẽ khó đáp ứng nhu cầu phát triển, đón đầu xu hướng công nghệ 4.0”, một chuyên gia nói.
Theo vị chuyên gia này, một khi dữ liệu được công khai, để đồng bộ hóa, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm cần phải sở hữu hệ một thống công nghệ hiện đại, một cơ sở dữ liệu đầy đủ và quan trọng hơn cả là không thể thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp với nhau, cũng như với các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy,
bệnh viện…
“Có như vậy cách mạng công nghệ 4.0 mới phát huy tác dụng với ngành bảo hiểm”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lộc chia sẻ thêm: “Khâu giám định, thẩm tra để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại làm căn cứ chi trả tiền bảo hiểm sẽ trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn khi có một kho dữ liệu chung...”.