Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khai báo trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 23/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan bước sang ngày làm việc thứ hai, tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Trở lại phòng xét xử sau thời gian bị cách ly, bị cáo Trịnh Văn Quyết khai nhận việc đã chỉ đạo Doãn Văn Phương, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC (đang bỏ trốn) mua lại Công ty Green Belt, sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng Faros rồi thực hiện nâng vốn của công ty này.
Theo lời khai của bị cáo Quyết, chủ trương ban đầu mua lại công ty này là để khai thác lĩnh vực xây dựng, chủ động trong hoạt động đầu tư, xây dựng của cả hệ thống Tập đoàn FLC, chứ không có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Cựu Chủ tịch FLC cũng khai, không nhớ tiền về tài khoản bao nhiêu, không nhớ cụ thể đã chỉ đạo các cá nhân khác làm gì, song cho rằng “tôn trọng hành vi cáo trạng đã truy tố và các số liệu trong đó”.
Trước đó, cơ quan tố tụng cáo buộc, từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết đã có hành vi thao túng chứng khoán khi chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Thêm vào đó, nhóm Trịnh Văn Quyết cũng dùng thủ đoạn nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó đăng ký là công ty đại chúng để niêm yết 43 triệu cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán HoSE.
Các vi phạm trên được nhóm bị cáo tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) giúp sức, dẫn đến việc cổ phiếu được niêm yết, giao dịch trái quy định, gây thiệt hại 3.621 tỷ đồng của 30.403 nhà đầu tư.
Khai báo sau anh trai, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế cho rằng, bản thân chỉ làm theo sự chỉ đạo của Quyết, “bảo gì làm nấy và không biết gì thêm”.
Huế cũng khẳng định, bản thân không hưởng lợi từ những hành vi nêu trên, đồng thời mong Hội đồng xét xử xem xét các số liệu trong hồ sơ mà bị cáo đã xác nhận.
Trả lời Hội đồng xét xử về việc “giúp sức tích cực” cho nhóm Trịnh Văn Quyết, bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị và Lê Hải Trà, cựu Phó tổng giám đốc HoSE thừa nhận các vi phạm như cáo trạng quy kết.
Tuy nhiên, bị cáo Sinh cho rằng, có nghe cấp dưới báo cáo việc Công ty Faros “có vấn đề về kiểm toán”, nhưng với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị HoSE, không có quyền quyết định việc niêm yết hay không.
Trong khi đó, cựu Phó tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà cho rằng, bản thân không tác động, gây sức ép cho cấp dưới đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của Công ty Faros trong khi chưa đủ cơ sở xác định vốn góp, sử dụng vốn và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư của Công ty Faros.
Theo cáo buộc, các bị cáo tại HoSE biết rõ không đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán, song vẫn chỉ đạo cấp dưới tạo mọi điều kiện để Công ty Faros sớm niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cùng với đó, nhóm cựu lãnh đạo HoSE cũng ký các văn bản thông qua hồ sơ của Công ty Faros, đồng ý niêm yết cổ phiếu trái quy định, tạo điều kiện để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán.