Lợi ích và trở ngại khi doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại thị trường quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu huy động vốn và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tổ chức tầm cỡ quốc tế đã thúc đẩy một số doanh nghiệp nội địa niêm yết tại nước ngoài.

Ông Nick Ainsworth, Phó giám đốc tiếp thị của Dragon Capital, một nhà đầu tư kỳ cựu với 35 năm kinh nghiệm chia sẻ về những lợi ích và trở ngại của các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại thị trường quốc tế.

Thưa ông, các thương vụ niêm yết ở nước ngoài của các tập đoàn Việt Nam như Vinamilk và VNG từng không thành công. Nguyên nhân nằm ở đâu?

Ông Nick Ainsworth, Phó giám đốc tiếp thị của Dragon Capital.

Ông Nick Ainsworth, Phó giám đốc tiếp thị của Dragon Capital.

Thứ nhất, các công ty Việt Nam vẫn có quy mô khiêm tốn so với thị trường nước ngoài. Đối với thị trường trong nước, vốn hóa 1 tỷ USD đã được coi là lớn, nhưng với thị trường quốc tế thì rất nhỏ và việc các công ty có vốn hóa như vậy niêm yết tại nước ngoài diễn ra hằng ngày. Do đó, lượng quan tâm đến việc niêm yết phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế.

Thứ hai, do quy mô nhỏ, nên chi phí niêm yết, huy động vốn và duy trì niêm yết ở nước ngoài sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế. Nếu chứng khoán của một công ty khi niêm yết tại sàn ngoại không đáp ứng được mức khối lượng giao dịch nhất định, công ty đó có thể bị hủy niêm yết. Hơn nữa, thương hiệu, danh tiếng của các công ty Việt Nam phần lớn không quen thuộc với thị trường nước ngoài và các nhà đầu tư tổ chức tầm cỡ.

Do vậy, các công ty có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc thương hiệu vượt qua khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ có lợi hơn. Thêm nữa, việc kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “cận biên” lên “mới nổi” cũng sẽ giúp lan toả và gia tăng độ nhận diện của đất nước và các doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có quy mô khoảng 250 tỷ USD với thanh khoản trên 1 tỷ USD/ngày. Các nhà đầu tư quốc tế muốn đầu tư vào Việt Nam có thể dễ dàng tham gia trực tiếp thị trường trong nước, thay vì đầu tư vào một công ty Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Cuối cùng, việc niêm yết ở nước ngoài tạo ra sự chênh lệch về tỷ giá hối đoái, vì tài sản của công ty Việt Nam được tính bằng VND, trong khi chứng khoán nếu niêm yết ở sàn ngoại lại được tính bằng đơn vị tiền tệ khác. Do VND không được giao dịch rộng rãi trên thế giới, nên cơ hội phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro ngoại hối là không tồn tại. Đây là một phần quan trọng khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với việc đánh cược vào các công ty Việt Nam niêm yết trên sàn ngoại.

Sự khác biệt lớn giữa khung khổ pháp lý Việt Nam và các thị trường lớn trên thế giới gây ra thách thức nào cho việc niêm yết ở nước ngoài của các doanh nghiệp nội? Các cơ quan quản lý Việt Nam nên làm gì để khuyến khích việc niêm yết kép?

Luật pháp Việt Nam không cho phép một công ty kinh doanh thua lỗ được niêm yết. Do đó, các công ty công nghệ mới như VinFast phải tìm cơ hội huy động vốn, niêm yết ở nước ngoài và trên một sàn giao dịch lớn - nơi đề cao giá trị đột phá và tiềm năng tương lai.

Về việc niêm yết kép, Vinamilk đã tìm hiểu ý tưởng từ 15 năm trước và được Sở Giao dịch chứng khoán Singapore chấp thuận niêm yết, nhưng sau đó quyết định không niêm yết do điều kiện thị trường bất lợi. Ở Việt Nam, khung pháp lý cho niêm yết kép đã có. Những cải cách gần đây với Luật Chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 58/2012/NĐ-CP và sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là những dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, việc các công ty Việt Nam niêm yết ở nước ngoài trên một sàn giao dịch lớn là chưa hiệu quả về mặt kinh tế. Hơn nữa, các cơ quan quản lý Việt Nam có thể không thực sự muốn các công ty trong nước niêm yết kép vì gây ảnh hưởng và rút bớt thanh khoản khỏi các sàn giao dịch trong nước.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thương vụ IPO của VinFast tại Mỹ vào thời điểm hiện tại, cả về khuôn khổ pháp lý và góc độ tài chính?

Thương vụ IPO của VinFast là một trong những trường hợp rất hiếm khi việc niêm yết ra nước ngoài thực sự có thể thành hiện thực, thậm chí là cần thiết.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo, đặc biệt vận hành trong “nền kinh tế mới” với nhiều tính chất đột phá, trong trường hợp này là xe điện. Lĩnh vực này nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại, từ quan điểm đầu tư về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) và được đánh giá là xu hướng của tương lai.

VinFast được dự đoán sẽ cán mốc vốn hóa 50 tỷ USD nếu niêm yết thành công. Thị trường chứng khoán trong nước khó có thể hấp thụ được một lượng vốn lớn như vậy. Hơn nữa, VinFast sẽ cần một số nền tảng thể chế vững chắc trong một giao dịch khủng như thế.

Ngoài ra, quan điểm đầu tư về ESG gần đây rất thu hút từ các nhà đầu tư tổ chức - điều mà ở Việt Nam chưa có sự nhìn nhận đúng mực. Là một phần trong hệ sinh thái xe điện đem lại giá trị tích cực tới môi trường, việc IPO của VinFast ở nước ngoài sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt. Còn về thời điểm, rõ ràng, đây là điều kiện thuận lợi cho giao dịch cổ phiếu nói chung do lãi suất ngân hàng rất thấp, cùng với “cơn sốt” đầu tư chứng khoán, các app đầu tư hay các quỹ đầu tư thụ động.

Liên quan đến đề xuất niêm yết tại Mỹ của Bamboo Airways, có thể còn quá sớm để hãng hàng không non trẻ này tạo được dấu ấn tại Mỹ?

Khả năng niêm yết của Bamboo Airways tại thị trường nước ngoài là có thể, nhưng theo tôi, công ty vẫn còn non trẻ. Hơn nữa, cạnh tranh trong ngành hàng không rất gay gắt và nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự mở cửa hoàn toàn. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu đánh giá việc hãng này có thể nâng cao hoạt động kinh doanh nội địa hay không và sẽ cạnh tranh giành miếng bánh thị phần như thế nào.

Tin bài liên quan