Ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng vươn lên vị trí thứ hai thế giới trong xuất khẩu sau khi EVFTA có hiệu lực.
Doanh nghiệp châu Âu sốt ruột
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham cảm thấy sốt ruột khi đọc thông tin tỷ lệ rất thấp doanh nghiệp Việt Nam có biết về EVFTA. “Ngày 1/8 tới, EVFTA có hiệu lực rồi, mà chỉ có 2% doanh nghiệp biết tương đối kỹ về Hiệp định. Số còn lại (khoảng 20% trong tổng số 8.600 doanh nghiệp - PV) có biết, nhưng có thực sự hiểu rõ về nội dung Hiệp định, về các điều kiện thực thi hay không là câu chuyện khác, dù doanh nghiệp Việt Nam rất linh hoạt”, ông Minh chia sẻ với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Chỉ vài phút trước, ông Minh đã nghe một số bài tính của một số doanh nghiệp dệt may trong việc lựa chọn nên hay không nên đáp ứng nguyên tắc xuất xứ để hưởng các cam kết ưu đãi về thuế quan. Hiện tại, nguyên liệu nhập khẩu chính của doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn là từ Trung Quốc, nếu không thay đổi, thì không thỏa mãn được yêu cầu xuất xứ trong EVFTA.
“Một số doanh nghiệp tính rằng, nếu mua hàng từ nơi đáp ứng yêu cầu xuất xứ, với mức giá cao hơn, thì kể cả khi được hưởng ưu đãi thuế quan, vẫn không lợi bằng mua hàng từ Trung Quốc với mức thuế hiện tại. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu rõ là, sau khi EVFTA có hiệu lực, chế độ Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP) mà họ đang được hưởng sẽ kết thúc, cho dù EU áp dụng cho Việt Nam lộ trình 7 năm”, ông Minh nói.
Đó là chưa kể quy định về xuất xứ của EVFTA khá phức tạp, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèo theo. Sự phức tạp là lý do mà nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang của Việt Nam đã không đủ điều kiện xuất khẩu sang EU, cho dù đã có bạn hàng, vì không đủ các giấy chứng nhận theo yêu cầu về y tế.
“Kể cả với các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với các đối tác châu Âu vẫn tỏ ra lúng túng, không rõ làm thế nào, tiếp cận đầu mối nào để có đủ các điều kiện mà EU đòi hỏi”, ông Minh chia sẻ thông tin.
Cũng phải nói thêm, EU đang xúc tiến đàm phán FTA với một số nước trong ASEAN, sau khi đã ký hai FTA với Việt Nam và Singapore. “Nghĩa là Việt Nam đang có cơ hội tận dụng không gian thị trường EU trước, nên cần đi nhanh hơn”, ông Minh khuyến nghị.
Vai trò của cơ quan nhà nước
Thực ra, đây không phải là nỗi lo mới và không chỉ có lỗi từ doanh nghiệp. Ông Minh kể, ngay từ đầu năm, khi các doanh nghiệp EU thông báo ngừng sử dụng các bao bì bằng nhựa, thay vào đó các loại vật liệu có thể tái chế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi rất nhanh sang sử dụng bao bì từ giấy, thậm chí từ tre...
“Mọi việc có vẻ ổn cho đến khi doanh nghiệp EU yêu cầu cung cấp thông tin về vùng nguyên liệu. Hầu như các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ra được vùng nguyên liệu đủ điều kiện khai thác. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang là thách thức, nhưng không thể chỉ là việc của doanh nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nắm rõ thách thức trên. Mới tháng 6 vừa rồi, khi đi làm việc với các địa phương cùng với VCCI để trao đổi về các cơ hội từ EVFTA, ông vẫn nhận được lời từ chối của các địa phương về đề nghị đầu tư dệt nhuộm.
“Chúng tôi tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương hoàn tất để trình sớm Kế hoạch Phát triển ngành dệt may đến năm 2035, trong đó phải làm rõ được yêu cầu xây dựng khu công nghiệp tập trung cho dệt may, trong đó có xử lý nước thải tập trung. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể có các dự án dệt nhuộm lớn, đáp ứng được yêu cầu xuất xứ của EVFTA cũng như CPTPP...”, ông Cẩm nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng có mặt trong Đoàn giám sát của Quốc hội và đây không phải lần đầu ông nghe về kiến nghị này. Đáng nói là, ngành dệt may Việt Nam đang kỳ vọng có thể đổi chỗ cho Bangladesh, vươn lên vị trí thứ hai thế giới trong xuất khẩu dệt may sau khi EVFTA có hiệu lực. Nhưng điều này sẽ khó thành hiện thực, nếu không có ngành công nghiệp phụ trợ hậu thuẫn.
“Đây là vấn đề các bộ, ngành cần quan tâm. Nếu không tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, thu hút các dự án trong ngành này, thì dệt may của Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều hơn, nhưng khó thoát khỏi ‘kiếp gia công’. Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ, để tận dụng được làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện tại”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị.
Một lần nữa, đòi hỏi cải cách thể chế, hoàn thiện sớm khung khổ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đặt ra. “Chúng tôi kỳ vọng, việc rà soát lại các khung khổ pháp luật và có điều chỉnh, cập nhật chương trình lập pháp để đáp ứng các yêu cầu trong thực hiện EVFTA không chỉ là vì tuân thủ cam kết, mà còn vì nhu cầu phát triển của nền kinh tế”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.
Đánh giá tác động của CPTPP sau 1 năm thực hiện
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan: năm 2019 chỉ đạt dưới 2%
Kim ngạch xuất khẩu: năm 2019 tăng 7,2% so với năm 2018 (thấp hơn mức tăng 8,4% của kim ngạch xuất khẩu nói chung).
Xuất khẩu tăng trưởng cao ở các thị trường mới (Canada, Mexico), nhưng giảm tốc ở phần lớn các thị trường đã có FTA trước CPTPP (ví dụ Nhật Bản), thậm chí giảm về số tuyệt đối, chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu (như Australia).
Nguồn: VCCI