Lợi ích lớn và lợi ích nhỏ!

(ĐTCK-online) Những nội dung sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) đã được công bố rõ ràng, nhưng khi được công bố thì cũng có không ít ý kiến trái chiều xuất hiện, có thể là góp ý mà cũng có thể chỉ là nhằm bảo vệ lợi ích kinh doanh của một hoặc vài chủ thể trên thị trường.

Trước tiên, cần phải nói tới mốc thời gian 1/1/2011 mà Chính phủ đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH có hiệu lực. Điều này có nghĩa là không còn nhiều thời gian để đi tới quyết định cuối cùng cho các sửa đổi, bổ sung.

Trong vài tuần gần đây, đã xuất hiện một số ý kiến đăng tải nhằm giới thiệu sự cần thiết của mô hình "bảo hiểm nội bộ". Tại sao vậy, đơn giản bởi đây là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong việc sửa đổi Luật KDBH, nếu áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động bán bảo hiểm của không ít công ty bảo hiểm trực thuộc các tập đoàn kinh tế hiện nay.

Nhắc lại một chút, cuối tháng 8/2010, Ủy ban Kinh tế Quốc hội có báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án bổ sung, sửa đổi một số điều trong Luật KDBH được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một lập luận quan trọng trong đó là việc nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế thành lập các công ty bảo hiểm và thực hiện kinh doanh bảo hiểm trong nội bộ doanh nghiệp có thể "giảm đi tính cạnh tranh hoặc dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng". Giải pháp được đưa ra ở đây là tổ chức đấu thầu.

 

Lợi ích lớn….

Hiểu đơn giản, "bảo hiểm nội bộ" có nghĩa là một tập đoàn kinh tế thành lập công ty bảo hiểm trực thuộc (hoặc nắm giữ cổ phần lớn) và thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm cho tập đoàn.

Tuy nhiên, một nguyên tắc của phát triển thị trường là phải có cạnh tranh và khách hàng phải có nhiều sự lựa chọn. Nhìn từ góc độ này, trong một báo cáo đánh giá về tình hình cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm, Cục Quản lý cạnh tranh đã xếp loại "bảo hiểm chuyên ngành" vào loại cạnh tranh thông qua sự can thiệp hành chính.

"Trên thị trường bảo hiểm xuất hiện nhiều công ty bảo hiểm chuyên ngành, tại đó ngành này buộc các đơn vị thành viên trong cùng một tổng công ty tham gia bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc trong khi ngành này, công ty này chỉ có 30% vốn trong công ty bảo hiểm của họ. Đây là một trong những biểu hiện của độc quyền trong kinh doanh đối với những sản phẩm có tính chất đặc thù riêng. Hành động sử dụng áp lực hành chính để có được những hợp đồng bảo hiểm là hành động phi cạnh tranh..." trích báo cáo tổng hợp của Cục Quản lý cạnh tranh tháng 8/2009.

Trong tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH ngày 19/7/2010 của Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nêu rõ cần phải bổ sung Điều 10 Luật KDBH hiện hành về hợp tác và cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, dù các quy định đã là phù hợp, tuy nhiên, trong thực tiễn việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cần thực hiện qua cơ chế đấu thầu để có sự cạnh tranh lành mạnh.

Từ những phân tích trên, Luật KDBH sửa đổi theo hướng quy định hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định của Luật KDBH và pháp luật có liên quan.

Việc áp dụng quy trình đấu thầu, chắc chắn sẽ chỉ có lợi cho người mua bảo hiểm (trong trường hợp này là các tập đoàn). Bởi lẽ nếu công ty bảo hiểm trực thuộc của tập đoàn đưa ra được sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá tối ưu nhất, đương nhiên, công ty này vẫn sẽ trúng thầu. Đặt trường hợp ngược lại, tập đoàn sẽ có thêm lựa chọn sản phẩm bảo hiểm từ bên ngoài.

Thực hiện cơ chế đấu thầu bảo hiểm là hướng đi được coi là bảo vệ "lợi ích lớn" của cả thị trường.

 

…và lợi ích nhỏ?

Hiện nay, việc bảo vệ mô hình bảo hiểm nội bộ (captives insurance) dựa trên hai luận điểm cơ bản: thứ nhất, mô hình bảo hiểm bảo hiểm nội bộ vẫn đang được áp dụng trên thế giới; thứ hai là một công ty thành viên, công ty bảo hiểm có thể hiểu biết rõ hơn rủi ro đặc thù của công ty mẹ, do vậy có thể thiết kế sản phẩm phù hợp nhất, với mức giá tối ưu nhất.

Đây chắc chắn là những lập luận đáng để quan tâm, nhưng trên thực tế để chứng minh tính ưu việt bằng những con số cụ thể của hình thức cung cấp bảo hiểm này so với đấu thầu cạnh tranh lại không dễ. Đặc biệt là chứng minh tính ưu thế về phí bảo hiểm của công ty bảo hiểm trực thuộc so với các công ty bảo hiểm khác chưa hề có số liệu chứng minh.

Thêm vào đó, việc lấy ví dụ mô hình captives insurance ở nước ngoài mà chủ yếu áp dụng ở các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân cũng khó thuyết phục khi hiện ở Việt Nam, các công ty bảo hiểm hầu hết đều thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước. 

Trên thực tế, quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật KDBH đã được các uỷ ban có liên quan của Quốc hội tiến hành từ rất lâu. Trong quá trình đó, các uỷ ban này đã có rất nhiều cuộc trao đổi với các cơ quan quản lý trực tiếp và các doanh nghiệp trên thị trường. Việc bổ sung Điều 10 Luật KDBH hiện hành về hợp tác và cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm là nhằm mục đích minh bạch hoá hoạt động trên thị trường bảo hiểm.

Cơ quan lập pháp đã có sự nghiên cứu, trao đổi và việc ban hành điều luật mới đương nhiên có những lý do của nó. Hiện cũng chưa có phản ứng cụ thể về khả năng thay đổi hình thức đấu thầu bảo hiểm dự kiến áp dụng từ 1/1/2011 từ phía cơ quan lập pháp. Một sự thay đổi vì "lợi ích nhỏ" của một vài doanh nghiệp trên thị trường có thể làm sai lệch ý chí của cơ quan lập pháp khi đặt ra vấn đề sửa đổi.