Năm ngoái, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ - Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un được tổ chức tại Singapore.
Đảo quốc này đã chi ra 20 triệu đôla Singapore (khoảng 15 triệu USD) để tổ chức sự kiện. Một nửa dành cho chi phí an ninh và khoảng 5 triệu SGD phục vụ giới truyền thông.
Khi ấy, Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long khẳng định "đây là số tiền chúng tôi sẵn sàng bỏ ra" và sự kiện sẽ có lợi cho đất nước cả về danh tiếng, vị thế và hình ảnh. Dĩ nhiên, điều này cũng kéo theo lợi ích kinh tế rất lớn, nhờ độ hiện diện truyền thông, bán lẻ và du lịch.
Hãng phân tích - Meltwater ước tính giá trị truyền thông hội nghị này mang lại cho Singapore vào khoảng 767 triệu SGD (550 triệu USD).
Trong đó, riêng giá trị dựa trên sự đề cập của truyền thông trực tuyến toàn cầu trong 3 ngày lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên ở đây đã là 270 triệu SGD. Nếu tính cả báo in, truyền hình và mạng xã hội, con số này sẽ còn cao nữa.
Các khách sạn dĩ nhiên hưởng lợi lớn nhất từ sự chú ý này. Việc ông Kim Jong-un tham quan khách sạn Marina Bay Sands đã xuất hiện trên trang nhất rất nhiều tờ báo. Capella - nơi cuộc họp diễn ra, Shangri-La và St Regis - nơi ở của hai lãnh đạo được đề cập nhiều nhất trên báo chí.
Kevin Wee - giảng viên Trường Bách khoa Nanyang cho biết đây là "những lợi ích vô giá". "Khách sạn của bạn phục vụ được Tổng thống Mỹ thì cũng sẽ phục vụ được tất cả mọi người.
Ví dụ, có tỷ phú nào đó coi trọng an ninh, muốn đặt toàn bộ tầng cho đoàn của mình thì sao? Bạn có thể nói khách sạn của mình thậm chí đáp ứng được nhu cầu của Tổng thống cơ mà", ông nói.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu STR, tỷ lệ kín phòng tại Singapore quý II năm ngoái đạt 81%, cao hơn so với trung bình 70% trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là quý II tốt nhất của đảo quốc này kể từ năm 2013.
Phố mua sắm Orchard Road tại Singapore. Ảnh: SBR
Doanh thu trên mỗi phòng cũng tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước đó, cao điểm vào tháng 6. Các khách sạn tại Orchard Road - khu vực hai lãnh đạo chọn ở lại - cũng có 3 ngày liên tiếp doanh thu tăng 2 chữ số.
Nicholas Fang - Giám đốc Các vấn đề An ninh và Toàn cầu tại Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Singapore thì cho rằng nhờ hội nghị thượng đỉnh, sức cạnh tranh của Singapore sẽ tăng lên.
"Việc một quốc gia nhỏ như Singapore trở thành tâm điểm chú ý trong nhiều ngày như vậy sẽ có lợi cho các công ty và người dân trong nước khi bước ra thế giới", ông nói.
Lars Voedisch - Giám đốc điều hành PRecious Communications cũng khẳng định: "Đường đua F1 đã làm xuất sắc việc quảng bá hình ảnh Singapore ra toàn cầu. Và cuộc họp này cũng vậy". Singapore sẽ nổi tiếng là địa điểm cho những sự kiện như thế. Từ đó, quốc gia này sẽ có lợi thế trong việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài tới đây làm ăn.
"Sự kiện sẽ cho thấy Singapore là một trong những địa điểm an toàn nhất thế giới. Công ty, CEO hay gia đình nào lại không muốn điều đó cho nhân viên và người thân của mình chứ?", ông phân tích trên Channel News Asia, "Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên đã chọn Singapore, thể hiện Singapore rất dễ tiếp cận.
Tại sao Singapore thu hút nhiều công ty đặt trụ sở ở đây như vậy. Đó là vì các CEO và người lao động cảm thấy đây không chỉ là địa điểm tốt cho họ, mà còn an toàn và thoải mái cho cả gia đình họ. Singapore không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn là lựa chọn tốt cho lao động quốc tế".
Ngoài các lợi ích trên Michael Chiam - Giảng viên Trường Bách Khoa Ngee Ann ước tính Singapore có thể thu về ít nhất 7,2 triệu SGD từ chi tiêu du lịch trong 3 ngày này.
Món burger đặc biệt của Royal Plaza. Ảnh: Reuters
Con số này được ước tính chủ yếu từ khoảng 4.000 phóng viên và nhân viên an ninh đổ về đây, với chi tiêu trung bình 600 SGD mỗi ngày.
Các doanh nghiệp Singapore dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội kiếm lời. Startup công nghệ Vybes đã thuê hai người chuyên đóng giả lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên - Dennis Alan và Howard X quảng bá ứng dụng di động của họ.
Những người muốn chụp ảnh với họ sẽ phải tải ứng dụng của Vybes. Việc này đã giúp Vybes có thêm hàng nghìn lượt tải mới trong một ngày.