Việc lãnh đạo KBC mua vào khối lượng lớn đã giúp cổ phiếu của Công ty hồi phục tốt

Việc lãnh đạo KBC mua vào khối lượng lớn đã giúp cổ phiếu của Công ty hồi phục tốt

Lời hứa lãnh đạo doanh nghiệp và niềm tin cổ đông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi giá cổ phiếu rơi sâu, việc cổ đông nội bộ công bố mua vào củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Nhưng thực tế, không phải khi nào niềm tin này cũng được đặt đúng chỗ.

Những hứa hẹn bất thành

Sau nhịp bán tháo trên thị trường chứng khoán từ cuối tháng 9/2022, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu, phát đi thông điệp tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp và đồng hành cùng cổ đông. Tuy vậy, không phải kế hoạch nào cũng được hiện thực hóa.

Đơn cử, tại đại hội cổ đông bất thường của DIC Corp (mã DIG), diễn ra ngày 12/10/2022, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Công ty đã cam kết với cổ đông nếu sau ngày 30/10/2022, giá cổ phiếu DIG xuống dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, ông sẽ đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, đến 27/12/2022, khi cổ phiếu DIG rơi về 15.750 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 47,5% so với giá cam kết, vẫn không thấy động thái mua vào của vị chủ tịch.

Đáng nói, trong thời gian từ ngày 4/11 - 16/11/2022, gia đình ông Tuấn bị bán giải chấp 31,86 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 5,22% vốn điều lệ của Công ty khi cổ phiếu giao dịch vùng 10.800 - 16.600 đồng/cổ phiếu.

Trong danh sách lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mà không mua vào cổ phiếu, không thể không nhắc tới ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Nam Việt (mã ANV). Ông Tới đã không mua vào 2 triệu cổ phiếu như đăng ký với lý do diễn biến thị trường không thuận lợi trong thời gian đăng ký từ 21/11 - 20/12/2022.

Được biết, từ ngày 17/6 - 15/11/2022, thị giá cổ phiếu ANV giảm 73,8%, từ 61.560 đồng/cổ phiếu về 16.100 đồng/cổ phiếu, sau đó hồi phục. Đóng cửa phiên 19/12/2022, thị giá ANV đạt 25.550 đồng/cổ phiếu, cao hơn 58,7% so với đáy ngày 15/11/2022, đồng thời vẫn giảm 58,5% so với mức đỉnh tại ngày 17/6/2022.

Tương tự, từ ngày 28/11 - 21/12/2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành (mã TTF) chỉ mua được 5,26 triệu cổ phiếu TTF trong tổng đăng ký 10 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0% lên 1,28% vốn điều lệ. Đây là lần đầu tiên ông Tín đăng ký mua cổ phiếu TTF khi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty vào năm 2019. Lý do được vị chủ tịch này đưa ra do diễn biến thị trường không thuận lợi.

Tính tới ngày 22/12/2022, cổ phiếu TTF giao dịch vùng 4.330 đồng/cổ phiếu, tức tăng 39,7% so với đáy ngày 15/11/2022 nhưng vẫn giảm 74,8% so với ngày 29/3/2022.

Hay ông Trần Ngọc Diệu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG) chỉ mua 1 triệu trong tổng 2 triệu cổ phiếu NKG đăng ký mua vào trong thời gian từ 18/11 - 16/12/2022. Lý do được vị lãnh đạo này đưa ra do diễn biến thị trường không thuận lợi.

Tính tới ngày 16/12/2022, cổ phiếu NKG giao dịch vùng 14.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn 90,5% so với đáy ngày 15/11/2022, nhưng vẫn đang thấp hơn 66,2% so với đỉnh thiết lập vào ngày 28/3/2022.

Từ ngày 31/10 - 28/11/2022, ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bitagco (mã ABS) chỉ mua được 390.000 cổ phiếu trong tổng số 3 triệu cổ phiếu đăng ký mua, tỷ lệ mua thành công 13% tổng đăng ký để nâng sở hữu từ 19,33% lên 19,81% vốn điều lệ. Lý do không mua hết do diễn biến thị trường chưa thuận lợi.

Theo nhà đầu tư Nguyễn Hồng Vân, việc lãnh đạo đăng ký nhưng không mua vào cổ phiếu, điều này là tín hiệu kém tích cực trong môi trường cổ phiếu vẫn đang giao dịch thấp hơn nhiều so với giá đầu năm.

Điểm sáng lãnh đạo thực hiện cam kết với cổ đông

Ngược lại, từ ngày 15/11 - 13/12/2022, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) đã mua vào 25 triệu cổ phiếu như đăng ký để nâng sở hữu từ 14,81% lên 24,91% vốn điều lệ. Thêm nữa, Ban lãnh đạo Kinh Bắc còn đang lên kế hoạch mua lại 100 triệu cổ phiếu KBC để giảm vốn điều lệ giúp giảm lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường. Hay từ ngày 4/11 - 29/11/2022, bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhà Khang Điền (mã KDH) đã mua vào 10 triệu cổ phiếu đăng ký để nâng sở hữu từ 1,44% lên 2,84% vốn điều lệ…

Quan sát diễn biến các cổ phiếu mà lãnh đạo mua vào theo cam kết, diễn biến giá cổ phiếu có dấu hiệu mạnh hơn so với thị trường. Trong đó, từ ngày 15/11 - 5/12/2022, cổ phiếu KBC tăng 47%, từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên 22.050 đồng/cổ phiếu và đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở mức 24.200 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu KDH tăng 60,3% từ 19.400 đồng/cổ phiếu lên 31.100 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn từ ngày 15/11 - 5/12/2022, sau đó điều chỉnh về 26.350 đồng/cổ phiếu cùng nhịp giảm chung của thị trường.

Thực tế, với việc lãnh đạo thực hiện cam kết, các cổ phiếu này có dấu hiệu tăng mạnh hơn thị trường chung khi nhà đầu tư có thêm cơ sở cho thấy ban lãnh đạo sẽ cam kết và gắn bó vào doanh nghiệp cùng cổ đông vượt khó giai đoạn khan hiếm dòng tiền.

Minh bạch và chủ động thông tin để nuôi dưỡng niềm tin

Ngày 18/12/2022, Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) gửi thông báo cho nhà đầu tư về giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ của Quỹ đầu tư trái phiếu (TCBF) là 13.399,92 đồng, tăng 0,11% so với phiên liền trước. Đến ngày 29/12/2022, NAV/chứng chỉ quỹ TCBF là 13.425 đồng.

Như vậy, chứng chỉ quỹ này đã ổn định trở lại sau thời gian giảm mạnh do làn sóng rút vốn của nhà đầu tư trái phiếu, tình trạng mà các quỹ trái phiếu phải đối mặt trong nửa cuối năm 2022 do khủng hoảng niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh ứng phó với vấn đề thanh khoản, Techcom Capital cùng Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) liên tục thực hiện công bố thông tin, làm một chuỗi phân tích tài chính các doanh nghiệp/tổ chức phát hành trái phiếu trong danh mục đầu tư của TCBF.

Các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trái phiếu hiểu rõ, chỉ có minh bạch thông tin mới có thể vượt qua khủng hoảng thanh khoản lần này và dần dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn trở lại. Thực tế, thị trường đang diễn ra một đợt “tinh tuyển” với các chủ thể trên thị trường trái phiếu, từ nhà phát hành, đơn vị tư vấn đến công ty quản lý quỹ.

Trong lĩnh vực bán lẻ, mới đây, Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) đã có cuộc giao lưu trực tuyến với nhà đầu tư thông qua một công ty chứng khoán để chia sẻ về triển vọng kinh doanh, chuỗi giá trị và tầm nhìn chuyển đổi từ nhà bán lẻ truyền thống sang bán lẻ trên nền tảng công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc WinCommerce, công ty thành viên của Tập đoàn Masan nhấn mạnh, WinCommerce là hệ thống bán lẻ có quy mô và độ phủ trên toàn quốc, tăng trưởng lợi nhuận trong 2 năm qua. Tới đây, Masan sẽ phát triển mô hình “mini mall”, tích hợp các sản phẩm dịch vụ của hệ sinh thái Masan, đáp ứng hầu hết nhu cầu của người tiêu dùng tại một điểm dừng chân…

Các siêu thị của Winmart chuyển đổi sang mô hình “all in one” ngày càng nhiều, với siêu thị, nhà thuốc, máy rút tiền. Winmart đang ở thời điểm tốt để phát triển khi nhiều nhà bán lẻ lớn đang gặp khó khăn nội tại như Nova Consummer, Coop Mart, Satra Food… Sự thay đổi của Winmart cùng với việc phát hành thành công trái phiếu cho nhà đầu tư ngoại giúp giá cổ phiếu MSN có diễn biến khả quan trong 2 tháng qua.

Thu Hương

Tin bài liên quan