Lời hứa của các doanh nhân giao thông

Lời hứa của các doanh nhân giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Thi công vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng đang là thước đo thể hiện bản lĩnh, sự chuyên nghiệp của những người đứng đầu các doanh nghiệp hạ tầng giao thông trong thời kỳ cả nước là “đại công trường”.

Vượt qua lợi ích riêng

“Chúng tôi rất trân trọng việc các nhà thầu đã vượt những tính toán lợi ích kinh tế của bản thân doanh nghiệp để thi công vượt tiến độ hợp đồng, quyết tâm thật lớn vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chia sẻ tại Lễ phát động thi đua “100 ngày thông hầm số 2 (Gói thầu XL02) thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn” vừa được tổ chức ngày 10/10.

Tại buổi lễ, Tập đoàn Đèo Cả là đại diện liên danh nhà thầu và các bên gồm Ban Quản lý dự án 2, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thống nhất ký cam kết đến ngày 31/12/2023 sẽ đào thông hầm 2 dài 698 m thuộc Gói thầu XL2, rút ngắn thời gian thông hầm 4 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Để có thể rút ngắn tiến độ, đảm bảo mốc tiến độ nói trên, Tập đoàn Đèo Cả đã cải tiến phương pháp đào hầm NATM, tăng số lượng mũi đào từ 4 mũi lên 6 mũi, mỗi gương hầm cũng tăng từ 2 lên 3 bước đào. Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ phải bổ sung hàng chục tỷ đồng tiền chi phí thiết bị và nhân công.

“Chúng tôi sẵn sàng giảm lợi nhuận để góp phần cùng các nhà thầu sớm đưa Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn về đích sớm”, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Trước đó một ngày, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Dự án PPP đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), ông Nguyễn Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhất trí khởi công công trình vào ngày 22/12/2023.

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh mà Tập đoàn Đèo Cả được giao đề xuất đầu tư có quy mô đầu tư rất lớn (23.000 tỷ đồng); địa hình, địa chất phức tạp, nếu không biết cách tổ chức, thì Dự án sẽ rất khó huy động vốn tín dụng.

Tuy nhiên, ngay trong lần đầu tiên đi thực địa để tìm hiểu Dự án vào năm 2018, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đã sáng tác bài hát “Khát vọng Việt Nam” để truyền ngọn lửa chinh phục tới toàn thể cán bộ, công - nhân viên Tập đoàn.

Ông Hoàng chia sẻ: “Cao Bằng luôn đem lại trong tôi cảm xúc đặc biệt, phải làm điều gì để tri ân vùng đất cách mạng, phên dậu Tổ quốc”. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó, Chủ tịch Đèo Cả đã hứa với Bác quyết tâm thực hiện bằng được cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Sau 5 năm kiên định theo đuổi, nghiên cứu rút ngắn hướng tuyến để giảm tổng mức đầu tư, sáng tạo trong huy động vốn qua mô hình PPP, cùng với những giải pháp tối ưu khác, Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang ở giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư.

Cộng hưởng sức mạnh

Sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong việc thi công, đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông chính là sự thể hiện trách nhiệm của các doanh nhân đối với đất nước”.

- PGS-TS. Trần Đình Thiên

Cần phải nói thêm rằng, Tập đoàn Đèo Cả không đơn độc trong việc lao vào những việc khó, chưa có tiền lệ tại các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn.

Sau khi gây ấn tượng rất mạnh với việc hoàn thành một loạt dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ đúng tiến độ, chất lượng tốt với thời gian bảo hành lên tới 10 năm, Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) đã hoàn thành Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nha Trang - Cam Lâm trước 3 tháng so với hợp đồng.

Trong dự án này, Tập đoàn Sơn Hải đã chủ động rút ngắn các thủ tục lựa chọn nhà thầu; phân chia gói thầu có sản lượng lớn; tổ chức thi công có trọng tâm, trọng điểm; mạnh dạn đầu tư các dây chuyền thiết bị hiện đại nhất phục vụ thi công...

Nhiều thời điểm, trên công trường có đến hơn 4.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia triển khai thi công. Nhà đầu tư cũng bỏ thêm kinh phí để mở rộng phần lề đường so với thiết kế, giúp an toàn hơn (tổng mức đầu tư Dự án không thay đổi).

Không những thế, Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm. Đây là bảo chứng về niềm tin và trách nhiệm của chủ đầu tư với công trình. Dự án cũng là điểm sáng về thu hút đầu tư tư nhân theo hình thức PPP.

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết, có những thời điểm khó khăn dồn lại, doanh nghiệp tưởng như không thể vượt qua. Tuy nhiên, được sự quan tâm tháo gỡ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, chính quyền địa phương, nên doanh nghiệp đã nỗ lực, giữ uy tín và giữ đúng lời hứa của mình.

Không chỉ các doanh nghiệp chuyên ngành giao thông thể hiện bản lĩnh, sự chuyên nghiệp trên công trường, nhiều nhà đầu tư tài chính lớn của Việt Nam đã “xuất tướng” tham gia các dự án hạ tầng lớn và khó, tỷ suất lợi nhuận rất thấp, như đường cao tốc, cảng hàng không.

Trong “làn sóng” nhập cuộc đầu tư hạ tầng của các nhà đầu tư tư nhân 2 năm qua, đáng chú ý là việc Vingroup - Techcombank dấn thân đầu tư Dự án PPP đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đáng chú ý bởi Dự án không chỉ có quy mô vốn đầu tư rất lớn (hơn 26.000 tỷ đồng, xây dựng 207 km cao tốc 4 làn xe), mà còn có tính khả thi tài chính không cao, thời gian hoàn vốn có thể lên tới hơn 30 năm nếu không nhận được sự hỗ trợ sâu về tài chính của Nhà nước.

Trước đó, T&T đã đăng ký lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP; liên danh Hưng Thịnh - Đèo Cả đề xuất đầu tư Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

“Sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong việc thi công, đầu tư vào hạ tầng giao thông chính là sự thể hiện trách nhiệm của các doanh nhân đối với đất nước. Nếu sự hợp sức của các doanh nghiệp trên được thông qua, sẽ mở ra lộ trình và hướng đi mới nhằm hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025 là hoàn thành 5.000 km cao tốc mà Chính phủ đề ra”, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Tin bài liên quan