Lỗi hẹn chế độ kế toán mới cho CTCK

Lỗi hẹn chế độ kế toán mới cho CTCK

(ĐTCK) Việc chậm ban hành Thông tư về chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK là do còn nhiều ý kiến khác nhau về mức độ cải cách của các quy định mới.

Nhiều “lỗ hổng”

Cùng thời điểm này năm ngoái, khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Thông tư về chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK, cũng như liên tiếp tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, đã tạo ra sự tranh luận “nóng” không chỉ trong khối CTCK, mà cả giới chuyên gia, NĐT. Sở dĩ như vậy bởi dự thảo đặt ra nhiều tư tưởng cải cách so với quy định hiện hành, gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nên sau hơn một năm lấy ý kiến các thành viên thị trường, đến nay vẫn chưa được ban hành.

Nói về nỗ lực đưa ra những quy định mang tính cải cách, bà Lê Thị Hòa, người trực tiếp tham gia soạn thảo dự thảo Thông tư, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, các quy định mới nhằm khắc phục một trong những hạn chế lớn nhất của chế độ kế toán hiện hành áp dụng đối với CTCK là sử dụng hệ thống tài khoản rất sơ sài, do được xây dựng cơ bản dựa theo chế độ kế toán của DN sản xuất, nên không có đủ tài khoản, cũng như các công cụ để theo dõi các sản phẩm, nghiệp vụ đặc trưng của CTCK. 

Hạn chế trên đã tạo ra các “lỗ hổng”: bảng cân đối kế toán của CTCK phản ánh cả tài sản là tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT lẫn CTCK, báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh cả dòng tiền tham gia giao dịch chứng khoán của NĐT… Hệ quả là không phản ánh kịp thời, trung thực “sức khỏe” tài chính của các CTCK.

Để khắc phục tình trạng này, Ban soạn thảo đề xuất áp dụng mô hình giá trị hợp lý theo thông lệ quốc tế trong quá trình xây dựng chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK. Trong đó, giá trị hợp lý là mức giá có thể nhận được khi bán một tài sản. Điều này cho phép phản ánh giá trị tài sản của CTCK biến động hàng ngày theo diễn biến TTCK, tương tự như việc công bố giá trị tài sản ròng (NAV) mà các công ty quản lý quỹ đang áp dụng, chứ không phải hạch toán giá trị tài sản theo giá gốc, giá trị sổ sách, vốn không phù hợp với đặc thù hoạt động của CTCK.

Có lỗi hẹn?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm ban hành Thông tư nêu trên sẽ tác động không tích cực đến nỗ lực thúc đẩy tái cấu trúc khối CTCK, cũng như đưa CTCK Việt Nam hoạt động theo luật chơi phổ biến trên thế giới.

Hiện tại, thời điểm ban hành Thông tư đang bị để ngỏ, bởi đầu mối soạn thảo văn bản này là Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán vẫn chưa có câu trả lời. Điều này gợi nhớ đến dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với lĩnh vực chứng khoán, cũng được Bộ Tài chính chuẩn bị kỹ lưỡng trong năm 2012, nhưng không được ban hành.

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, nguyên nhân khiến Thông tư hướng dẫn về chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK chậm ban hành là do còn có ý kiến khác nhau về mức độ cải cách chế độ kế toán. Một bên là ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với TTCK quốc tế, nên các quy định pháp lý, cũng như cách thức tổ chức quản lý, vận hành thị trường phải theo thông lệ quốc tế. Bởi vậy, chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK cần thực hiện theo thông lệ quốc tế. Nghĩa là, Việt Nam không nên tạo ra các luật chơi riêng, tạo ra độ “vênh” so với quốc tế.

Tuy nhiên, nhóm ý kiến khác lại cho rằng, việc xây dựng chế độ kế toán mới áp dụng đối với CTCK cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng phải được “Việt hóa” cho phù hợp với thực tiễn thị trường, tránh gây sốc cho các đối tượng bị điều chỉnh do phải áp dụng các yêu cầu cải cách cao so với quy định hiện hành.

Là người am hiểu sâu lĩnh vực kế toán tổ chức kinh doanh chứng khoán, bà Hòa cho rằng, việc “Việt hóa” là không nên, không phù hợp với nỗ lực tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán nói riêng, TTCK nói chung theo thông lệ quốc tế. Việc “Việt hóa” dễ tạo ra các quy định méo mó, thiếu tính ổn định, khó khắc phục được các hạn chế hiện hành, khiến CTCK tốn kém cả về chi phí lẫn thời gian do thay đổi chế độ kế toán.

Để tránh gây sốc cho các CTCK khi áp dụng chế độ kế toán mới theo thông lệ quốc tế, theo bà Hòa, khi ban hành Thông tư cần tính toán lộ trình áp dụng hợp lý để các CTCK có thời gian nắm vững các quy định mới, chuyển đổi hệ thống phần mềm, đào tạo đội ngũ cán bộ… Hướng cải cách nhận được sự đồng tình của nhiều CTCK.

Tin bài liên quan