Lợi, hại cổ phiếu quỹ

Lợi, hại cổ phiếu quỹ

(ĐTCK) Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP KBC) dự kiến chi 200 tỷ đồng cho đợt mua cổ phiếu quỹ đầu tiên, đồng thời cho biết số tiền dùng để mua cổ phiếu quỹ có thể lên tới 750 tỷ đồng. 

CTCP Nhà Đà Nẵng (NDN) đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu quỹ, CTCK VnDirect đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu quỹ… là những thông tin về việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ được công bố dồn dập trong hơn tuần trở lại đây.

Thông điệp nổi bật trong các bản thông báo mua cổ phiếu quỹ được doanh nghiệp phát ra là công ty dồi dào về tài chính, trong khi giá cổ phiếu đang được giao dịch thấp hơn giá trị thực trên thị trường.

Việc mua vào cổ phiếu quỹ nhằm gia tăng lợi ích cho cổ đông, hay nói cách khác là có thể giúp gia tăng thị giá cổ phiếu. Việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ giúp làm đẹp một số chỉ số tài chính, cụ thể là EPS, ROE và ROA sẽ tăng lên, kể cả khi doanh thu và lợi nhuận không đổi. Song sự tăng trưởng này không được đem lại từ hoạt động kinh doanh chính và không tạo ra giá trị cho cổ đông.

Trong những cổ phiếu trên, đáng chú ý có NDN, thị giá đang rớt xuống dưới mệnh giá, còn 2 KBC và VND duy trì giá ổn định trong khoảng thời gian dài, thiếu sự bứt phá, dù hoạt động doanh nghiệp được công bố có nhiều chuyển biến tốt gần đây.

Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử giao dịch của các cổ phiếu có truyền thống doanh nghiệp hay mua cổ phiếu quỹ cho thấy, sau động thái này, giá cổ phiếu không hẳn có sự bứt phá mạnh mẽ, thậm chí, ở nhiều doanh nghiệp, còn có tình trạng công bố rồi để đấy và không thực hiện việc mua vào như đã công bố. Trong nhiều góc độ, thị trường còn cho rằng, đó là những chiêu trò nhằm đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn.

Đem những câu chuyện như vậy trao đổi với giám đốc tài chính của một doanh nghiệp niêm yết, ông nói rằng, không loại trừ những doanh nghiệp có mục đích như vậy. Nhưng ở doanh nghiệp của ông, có năm, tiền lãi thu được từ bán cổ phiếu quỹ cao gần bằng tiền lợi nhuận từ sản xuất đem lại. Với doanh nghiệp, đó thực sự là bài toán về quản trị dòng tiền.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, có nên xem xét bỏ vốn vào các doanh nghiệp có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, bởi nếu triển vọng doanh nghiệp không tốt, cớ gì lãnh đạo mạo hiểm?

Câu trả lời là đừng chỉ nhìn vào những tuyên bố và kế hoạch “thì tương lai”.

Nhiều yếu tố khác cần được đưa lên bàn cân. Chẳng hạn, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ về triển vọng ngành nghề, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các yếu tố cơ bản hiện nay của doanh nghiệp.

Không loại trừ tại thời điểm đăng ký mua, doanh nghiệp có thể có nguồn vốn nhàn rỗi, nhưng với các doanh nghiệp Việt Nam, nguy cơ rủi ro về tài chính rất khó đoán định, ví dụ, không thu được các khoản nợ đến hạn, chậm trả của khách hàng… Khi đó, kế hoạch mua cổ phiếu quỹ bất thành, hoặc thiếu hụt dòng tiền, sẽ làm suy yếu khả năng thanh toán và trả nợ của công ty.

Trước đây, thị trường đã ồn ào với câu chuyện mua cổ phiếu quỹ của Tổng công Khí Việt Nam (GAS), vốn là đại gia về tiền mặt, nhưng lại không giữ lời hứa về mua cổ phiếu quỹ, khiến thị trường đồn đoán về kịch bản “làm giá”.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 203/2015/TT-BTC quy định, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch chỉ được mua bán cổ phiếu quỹ khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nhưng cơ sở để việc ra quyết định này chỉ là yêu cầu doanh nghiệp chứng minh có nguồn vốn được sử dụng, chứ không phải có tiền nhàn rỗi để mua cổ phiếu quỹ. Trong khi đó, nguồn vốn trên báo cáo tài chính đôi khi lại không hẳn là tiền có sẵn mà doanh nghiệp thực sự không cần dùng đến.

Tin bài liên quan