Ngoài sàn, nhà đầu tư, các chuyên gia dõi theo từng động thái của cuộc đàm phán giữa Bộ Công thương với Carlsberg, khi mà Habeco sẽ phải thoái bớt vốn Nhà nước, nhưng quyền mua dường như đã được Carlsberg tính trước, hầu hết thuộc về cổ đông chiến lược này.
“Ván bài” Habeco - Carlsberg
Phát biểu tại cuộc họp báo của Chính phủ cuối tháng 10 vừa qua, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, từ ngày 1/11/2016, Bộ bắt đầu đàm phán lại về hợp đồng chiến lược ký giữa Habeco và Carlsberg. Cuộc đàm phán chưa có kết quả, nhưng thông tin về hợp đồng chiến lược giữa hai bên ký từ năm 2008 cho thấy, dường như Carlsberg có nhiều quyền trong việc được ưu tiên mua cổ phần Habeco khi phía Việt Nam thoái vốn tại Habeco.
Cụ thể, với thỏa thuận liên quan đến nhà đầu tư chiến lược nước ngoài duy nhất, bên bán (là Bộ Công thương) không được bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược khác, trừ trường hợp nhà đầu tư đó mua lại cổ phần từ bên thứ 3 (cổ đông khác) trên thị trường hoặc thông qua phiên đấu giá công khai.
Với thỏa thuận quyền mua ưu tiên, Carlsberg cũng đã có ràng buộc với phía Việt Nam, trong đó bên bán muốn chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần thì phải đảm bảo nguyên tắc: nếu mua theo hình thức đàm phán trực tiếp thì số cổ phần đó phụ thuộc vào quyền ưu tiên mua đầy đủ của bên mua (là Carlsberg), tức là phải chào cho Carlsberg trước.
Nếu những điều khoản trên được thể hiện trên hợp đồng là thực, nhiều ý kiến từ thị trường cho rằng, bên bán hàng (Bộ Công thương) có lẽ đã “non tay” khi ký với nhiều ưu tiên cho bên mua như vậy, bởi với một hợp đồng mà dường như trong mọi phương án bán, Carlsberg đều được quyền ưu tiên mua toàn bộ, hoặc gần như toàn bộ số cổ phần bán ra.
"Tôi tin rằng, không có chuyện hợp đồng chỉ có quyền của phía Carlsberg, mà chắc chắn sẽ có cả những nghĩa vụ của Carlsberg trong các thỏa thuận bán"
- Phó tổng giám đốc phụ trách các vấn đề về pháp chế của một ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.
Bình luận về vấn đề này, ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime (MSBS), người đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, kế toán tại các quốc gia lớn cho rằng, trong mọi trường hợp, việc đánh giá phải dựa trên thông tin đầy đủ và phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Về thông lệ, ông Huy cho rằng, quyền ưu tiên mua là điều khoản đương nhiên trong các thương vụ M&A và tiên quyết cho các nhà đầu tư chiến lược.
“Sẽ công bằng hơn trước khi đưa ra nhận xét, nếu thử đặt địa vị mình là Carlsberg lúc mua 15% vốn điều lệ giai đoạn Habeco chào bán lần đầu. Đây là sự khác biệt giữa nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính. M&A là cuộc hôn nhân mà nhà đầu tư chiến lược không chấp nhận chế độ đa thê, đa thiếp”, ông Huy ví von.
Ở một góc nhìn khác, là người có kinh nghiệm đàm phán trong các hợp đồng M&A với đối tác nước ngoài, ông Lê Quang Hải cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài thường hay “gài” các điều khoản vào vào trong hợp đồng, nhưng đôi khi, cách sử dụng câu chữ tiếng Anh dẫn đến sự hiểu lầm của phía Việt Nam.
“Tôi đã gặp một số trường hợp, đối tác dùng những điều khoản rất bẫy cho phía Việt Nam trong hợp đồng tiếng Anh, trong khi bản tiếng Việt lại vận dụng sự đa nghĩa của ngôn ngữ tiếng Việt để dễ dàng cho qua. Điều đáng nói là, hợp đồng thường có điều khoản cho thấy hai bản hợp đồng tiếng Anh và tiếng Việt có giá trị như nhau, và khi tranh chấp xảy ra thì sử dụng Luật tại một quốc gia thứ ba, nhưng ở quốc gia thứ ba đó, hợp đồng bằng tiếng Anh luôn được sử dụng làm hợp đồng chuẩn để phân xử. Đây là sự thật mà khi đàm phán, nếu không cẩn trọng, phía Việt Nam dễ bị mắc phải sai lầm”, vị này nói.
Một luật sư cho biết, hiện ông không nắm đủ nội dung “phần cổ phần còn lại” được nhắc đến trong thỏa thuận giữa Carlsberg và Bộ Công thương, nhưng phải được xem chính xác hợp đồng thì mới có thể đưa ra phương án phù hợp.
“Nếu số cổ phần còn lại trong hợp đồng là số cổ phần còn lại sau đợt đấu giá thoái vốn của Bộ Công thương thì khác, còn nếu là số cổ phần còn lại của Bộ Công thương sau khi cổ phần hóa lần đầu thì lại là vấn đề khác”, vị này nhận xét.
Tính hợp pháp của hợp đồng và một số gợi mở về cách bán
Phó tổng giám đốc phụ trách các vấn đề về pháp chế của một ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam cho rằng, trong mọi tình huống, để bảo vệ lợi ích của ngân sách quốc gia, phía Việt Nam nên tôn trọng luật chơi, giải quyết các vấn đề trên căn cứ pháp lý, để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh về môi trường đầu tư tại Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Vị này cũng cho rằng, cần nhìn lại tính hợp pháp, hợp lệ và các điều khoản trong hợp đồng giữa Habeco và Carlsberg để làm căn cứ đánh giá.
“Tôi tin rằng, không có chuyện hợp đồng chỉ có quyền của phía Carlsberg, mà chắc chắn sẽ có cả những nghĩa vụ của Carlsberg trong các thỏa thuận bán. Để đàm phán lại với Carlsberg về thỏa thuận ràng buộc khi mua thêm cổ phần tại Habeco, phía Việt Nam cần nghiên cứu các thỏa thuận để đánh giá xem phía Carlsberg có tuân thủ các nội dung về nghĩa vụ đã ký trước đây không. Đồng thời, vì đây là hợp đồng ký với phía Bộ Công thương, nên cần rà soát lại việc ký tại thời điểm đó có phù hợp với các quy định của Chính phủ Việt Nam về thoái vốn hay không. Nếu việc ký quyền ưu tiên vượt quá các quy định pháp lý của Việt Nam thì đó cũng có thể là căn cứ để phía Việt Nam rà soát và đàm phán hủy bỏ một số điều kiện của hợp đồng, hoặc thậm chí toàn bộ”, vị này nói.
Trong quá khứ, ông kể, bản thân ông đã từng tham gia vào một thương vụ M&A mà khi làm công văn lên các cơ quan quản lý nhà nước các cấp thì đều được chấp thuận, nhưng đến khi qua pháp chế của Bộ để ký hợp đồng cuối cùng thì phát hiện ra quy định này có những điều khoản vượt qua luật. Vì thế, phải thay đổi các quy trình từ đầu!
Đến thời điểm này, bản hợp đồng chính thức giữa Carlsberg và phía Bộ Công thương vẫn là ẩn số. Một số thông tin hé lộ từ phía Habeco và Bộ Công thương cho thấy, thế bí của bên có cổ phiếu, khi muốn bán được giá cao nhất mà lại bị ràng buộc chặt chẽ về quyền ưu tiên mua của Carlsberg. Trong trường hợp bản hợp đồng là hoàn toàn hợp pháp, có cách nào để gỡ bí cho bên bán và cũng là để tạo không gian rộng hơn cho các nhà đầu tư khác Carlsberg được tham gia mua cổ phần của Habeco khi Nhà nước thoái vốn không?
Hãy phát hành riêng lẻ. Đó là gợi ý mà Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn đã đưa ra khi xem xét thương vụ Habeco - Carlsberg. Nếu Habeco phát hành riêng lẻ, tỷ lệ sở hữu của Carlsberg sẽ ngay lập tức giảm xuống và cũng tạo điều kiện cho Habeco tìm thêm nhà đầu tư chiến lược, giảm khả năng Carlsberg mua thâu tóm Habeco. Tuy nhiên, phương án này có lẽ quá đơn giản và có lẽ Carlsberg đã tính đến khi ký ràng buộc điều kiện với Habeco.
Hãy đưa ra mức giá xứng đáng. “Nếu vấn đề lớn nhất là của Bộ Công thương là tối ưu giá trong việc bán vốn Nhà nước tại Habeco thì câu chuyện đâu khó giải quyết? Bộ chỉ cần nên thuê tổ chức độc lập xác định giá, để có căn cứ chào bán đợt 1 lượng từ trên 50% vốn cổ phần Habeco. Nếu Carlsberg từ chối đợt mua này, Bộ đem bán lại gói cổ phần cần chào bán, bán đối tác khác (bằng các hình thức khác trong đó có thể thông qua đấu giá nguyên lô). Theo cách này, quyền mua của Carlsberg vẫn được bảo toàn, lợi ích Nhà nước là tốt nhất, mà các chủ thể khác vẫn có cơ hội mua Habeco”, một chuyên gia gợi ý.