Ảnh minh họa
Nhưng hiện trạng khó khăn không phải là những điều mà cộng đồng doanh nghiệp muốn chia sẻ nhất vào thời điểm này.
Trong văn bản mới gửi Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi Tổ công tác rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản được thành lập, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề nghị Tổ công tác sắp xếp gặp trực tiếp doanh nghiệp để nghe trình bày các vướng mắc, khó khăn cụ thể.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng vừa gửi đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về việc thiết lập các cuộc bàn tròn công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu hóa thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường xuất nhập khẩu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã sẵn sàng các bản giải trình, công khai tình trạng, phương án mà doanh nghiệp chủ động giải quyết và đề xuất hỗ trợ với những vấn đề nằm ngoài khả năng của mình.
Khác với những điểm khá chung chung, như đứt gãy nguồn cung, đứt gãy thị trường trong các thách thức mà doanh nghiệp luôn nhắc tới khi đề nghị được hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19, những vấn đề mà doanh nghiệp đối mặt hiện không chỉ khác nhau ở tính chất, ở quy mô, mà còn ở cả năng lực, khả năng giải quyết, gồm từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, đòi hỏi phải có lời giải phù hợp cho từng trường hợp, từng lĩnh vực.
Bên cạnh một số doanh nghiệp gặp áp lực đáo hạn trái phiếu, có không ít doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bất động sản đang phát hành trái phiếu huy động vốn có tỷ lệ đòn bẩy nợ rất thấp, đa dạng hóa được nguồn thu, chất lượng quản trị tốt, có dòng tiền trả nợ, được đánh giá là có thể đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu trong môi trường lãi suất cho vay cao như hiện nay.
Tương tự, trong danh mục các dự án chịu ảnh hưởng do những vụ án đang được khởi tố, có thể có dự án có quy mô liên đới không lớn, quản trị doanh nghiệp tốt, hoạt động bình thường… Hay nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ có đơn hàng mới, nhưng không thể sử dụng làm thế chấp để vay vốn vì những khó khăn từ phía ngân hàng…
Với những trường hợp này, các doanh nghiệp không cần cứu trợ, mà chỉ cần hỗ trợ xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, minh bạch thông tin từ phía cơ quan quản lý nhà nước, từ chính quyền địa phương...
Đây cũng là đề xuất của nhiều chuyên gia kinh tế khi bàn tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều chuyên gia nói đến cơ hội vàng để tái cơ cấu doanh nghiệp, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp bên cạnh những đòi hỏi về năng lực và trách nhiệm giải trình từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Sẽ có những doanh nghiệp chấp nhận bị xử lý do sai phạm, nhưng cũng phải có những doanh nghiệp chấp nhận bị đào thải do năng lực cạnh tranh thấp, do quản trị yếu kém; sẽ phải có những doanh nghiệp chấp nhận đóng cửa cơ hội này để mở ra cơ hội kinh doanh khác phù hợp hơn… Cũng sẽ có doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A) khi thị trường biến động…
Vấn đề là thị trường như một dòng chảy, cần được liên tục khơi thông bởi sự minh bạch thông tin từ doanh nghiệp, bởi các quyết sách rõ ràng, thống nhất từ cơ quan quản lý nhà nước, cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra, cho dù những khó khăn phát sinh do tình hình địa - chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp, hay những vấn đề nảy sinh tại doanh nghiệp. Nghĩa là, lời giải cho bài toán khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ nằm ở phía Nhà nước, hay ở riêng doanh nghiệp.