Tỷ lệ xe năng lượng mới có thể đạt 30% trên tổng quy mô thị trường
Chia sẻ tại phiên thảo luận “Mở lối cho xe xanh”, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, chuyển đổi phương tiện giao thông xanh một chủ trương của Chính phủ và VAMA luôn luôn ủng hộ về chủ trương. Tuy nhiên, để chuyển sang xe điện có rất nhiều khó khăn, đặc biệt cơ sở hạ tầng, nguồn cung điện cũng như thói quen người tiêu dùng hay về vấn đề thải bỏ và an toàn cho xe điện.
VAMA đề xuất cần có một lộ trình, có khoảng thời gian để thực hiện công việc chuyển đổi tốt hơn, đồng thời vẫn đảm bảo đạt được đạt được mức giảm phát thải đối với ngành giao thông.
Khi được hỏi về xe thân thiện môi trường chiếm bao nhiêu toàn thị trường nếu có các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới? Ông Đào Công Quyết cho rằng, khó có thể đưa ra con số chính xác do còn có phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác, nhưng VAMA có thể nhận định hiện nay công nghệ HEV (xe hybrid - xe xăng lai điện) và PHEV (Plug - in hybrid - xe hybrid sạc điện) đã có sẵn ở tất cả các các hãng, chỉ cần phải có những chính sách hỗ trợ phù hợp, giá thành sẽ giảm xuống và kéo được khách hàng tiếp cận.
“Theo kịch bản có những hỗ trợ như đề xuất của VAMA, ở trong khoảng thời gian 2026 - 2030, trường của xe hybrid bao gồm có HEV và PHEV tăng dần lên, chiếm khoảng 30% dung lượng toàn thị trường theo như tính toán trong dự án của chúng tôi”, ông Đào Công Quyết chia sẻ.
Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chia sẻ tại hội thảo. Ảnh Dũng Minh |
Còn nếu không có các chính sách hỗ trợ, theo đại diện VAMA, độ phủ của các dòng xe sẽ vẫn còn thấp, mục tiêu giảm phát thải sẽ rất khó khăn. VAMA hy vọng các nhà sản xuất sẽ có thời gian để chuẩn bị và xây dựng những kế hoạch đầu tư, đưa các sản phẩm mới và Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tới xem xét các đề xuất của ngành công nghiệp ô tô.
Theo ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam, thị trường Việt Nam, nếu không có gì đột phá về chính sách, có thể tăng trưởng khoảng 10-15 % hàng năm. Hiện nay, với quy mô xe ô tô trên thị trường đang là 330 ngàn xe được bán ra một năm. Để đạt được một triệu xe, có thể đến năm 2032 - 2033 và mục tiêu nâng lên 1,5 triệu xe vào năm 2035.
“Về lâu dài, như đại diện VAMA chia sẻ, còn phụ thuộc vào chính sách. Nếu có chính sách hỗ trợ phí trước bạ 5% cũng đã có thể tạo ra thay đổi. Tỷ lệ xe năng lượng mới trên tổng quy mô trường chiếm 30 %, đích này sẽ đến sớm hơn vì hiện nay đã có 10 thương hiệu tham gia. Quan trọng nhất là vấn đề về chính sách chung và thu hút đầu tư, kêu gọi và tăng kích cầu”, ông Võ Minh Lực cho hay.
Chính sách thúc đẩy
Đề xuất các chính sách mở lối cho xe xanh, các diễn giả tham gia hội thảo cho rằng cần có chính sách đồng nhất.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, hiện tại thị trường Việt Nam đang có khoảng gần 60 triệu xe máy chủ yếu sử dụng xăng dầu và khoảng 5 triệu ô tô chủ yếu sử dụng xăng dầu. Tầm nhìn từ 2030 xe chuyển đổi năng lượng chiếm 10% trên tổng số này cũng đã rất cao, có nghĩa 90% còn lại vẫn phụ thuộc nhiêu liệu hóa thạch.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cùng thảo luận giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xe xanh thân thiện môi trường và lực đẩy từ chính sách cho xe xanh. Ảnh Dũng Minh. |
Ông Bảo cho rằng, hiện nay chưa đồng nhất được khái niệm về khí phát thải. “Chúng ta đang nói về Net Zero, hiệu ứng nhà kính, còn về môi trường có rất nhiều loại phát thải độc hại từ phương tiện giao thông. Việc mới chuyển đổi xe xăng sang xe điện cần có hệ thống đáp ứng cho phương tiện này. Nếu ngày hôm nay chưa có những quy định cụ thể, tôi nghĩ rằng đến năm 2050 những vấn đề đặt ra ngày hôm nay có lẽ chưa có gì”, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận một thực tế.
Lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dẫn thông tin cụ thể Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến khí phát thải là Quyết định 49 ra đời từ 2011 và Quyết định 53 giảm thiểu khí thải ban hành vào năm 2011, cách đây 13 năm có lộ trình rất cụ thể, đưa ra mục tiêu đến 2017 phải sử dụng Euro 4 và phải sử dụng Euro 5 vào 2022. Đi kèm với chính sách của Bộ Giao thông -Vận tải để nhập khẩu các loại phương tiện và sản xuất các loại phương tiện.
Dù có lộ trình cụ thể nhưng vẫn còn những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp gặp phải trong thực tiễn triển khai.
Bên cạnh đó, một yếu tố được ông Bùi Ngọc Bảo lưu ý chuyển dịch sang xe điện yêu cầu năng lượng rất lớn mà không đưa vào quy hoạch điện VIII sẽ xa vời trong triển khai. Bên cạnh đó, điện lực là một mặt hàng nhà nước quản lý về giá, vậy giá điện tại trạm sạc được bán ra như thế nào cần có quy định rõ, bởi nhà đầu tư kinh doanh không thể lỗ được.
“Nếu không có chính sách ngày hôm nay rõ ràng những vấn đề đặt ra cho 2030 và tầm nhìn 2050 tôi nghĩ rằng rất khó khăn. Bởi lẽ hiện tại bây giờ chúng tôi cùng với VAMA cũng đang rất vật lộn với việc làm sao để đáp ứng được những sản phẩm Euro 5, đáp ứng nhiên liệu cho những xe đã chuyển đổi theo đúng lộ trình”, ông Bùi Ngọc Bảo cho hay.
Liên quan đến vấn đề trạm sạc, ông Trần Anh Thái, Phó tổng giám đốc Công ty ATS cho rằng, việc đấu nối cục sạc vào trong hệ thống điện cũng cần phải có một quy tắc tương tự như đã xây dựng quy tắc khi nối một nhà máy sản xuất, một hộ gia đình hay hộ kinh doanh vào lưới điện. Với trạm sạc, cần xác định việc đấu nối như thế nào, giá cả và quy định cụ thể. Từ đó, sẽ dự báo phụ tải, cân bằng công suất, cân bằng năng lượng trong kế hoạch phát triển.
Xe điện có nhiều lợi ích nhưng có thể ảnh hưởng đến hệ thống hiện hữu. Ngoài tăng phụ tải, còn có thể gây quá tải các đường dây và máy biến áp hiện hữu, ảnh hưởng đến chất lượng điện năng nên cần có đầy đủ các quy định trước khi phát triển thị trường bùng nổ.
Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông VAMA cho hay: “Chiến lược phát triển ngành ô tô đang được Bộ Công thương nghiên cứu và xem xét. Chúng tôi cũng hy vọng là sau khi các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước đóng góp ý kiến, Bộ Công thương sẽ có được chính sách để phù hợp và có thể vận hành được. Cần có chính sách khuyến khích dòng xe HEV, PHEV để tăng dung lượng thị trường, xây dựng chính sách để nhà đầu tư có thời gian phát triển hệ thống trạm sạc”.
Ông Bùi Ngọc Bảo kiến nghị: “Chính phủ nên nhất thể hóa tiêu chuẩn, không có nước nào cùng một lúc lưu hành nhiều tiêu chuẩn Euro 2, Euro3, Euro4, Euro5. Việt Nam có đặc thù riêng về nhà máy lọc dầu nhưng đã đến lúc chúng ta cũng chỉ có thể quy định một tiêu chuẩn cao chung. Thứ hai, tôi cho rằng cũng đến lúc vì mục tiêu Net Zero, đối với lĩnh vực xăng dầu nên có quy định cứng về việc mặt hàng xăng. Cần có những quy định cụ thể và mang tính chất bắt buộc".