Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Logistics Việt Nam: Nhận diện cơ hội và thách thức

(ĐTCK) Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sự lên ngôi của thương mại điện tử và các hiệp định thương mại tự do đang là động lực chính cho ngành logistics.

Cơ hội vươn mình từ bối cảnh chung

Dù tổng mức đầu tư cho logistics toàn cầu đang có xu hướng giảm, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội chuyển mình.

Dữ liệu thị trường từ Savills cho hay, tổng đầu tư logistics toàn cầu trong quý II/2023 ghi nhận mức 41,6 tỷ USD, giảm khoảng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường trọng điểm lớn như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha đều chứng kiến sự gia tăng mạnh của tỷ lệ mặt bằng logistics trống. Thậm chí, các hợp đồng thuê còn có xu hướng diễn ra theo thời gian ngắn hạn hơn trước, cho thấy tính biến động cao của lĩnh vực này.

Tuy vậy theo Savills, các nhà đầu tư vẫn giữ kỳ vọng lạc quan hơn đối với thị trường logistics tại châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, trong khi tổng vốn đầu tư vào phân khúc logistics quý II/2023 tại toàn thị trường châu Âu giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, thì tại châu Á – Thái Bình Dương, tổng vốn đầu tư chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ khoảng 14%. Các nhà đầu tư vẫn giữ sự quan tâm mạnh mẽ đối với châu Á, những thị trường sở hữu yếu tố nền tảng hỗ trợ sự phát triển dài hạn và tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với bất động sản logistics và bất động sản kho bãi.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Tại Việt Nam, thời gian qua, ngành công nghiệp logistics đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử. Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Bình luận về thực trạng và triển vọng của ngành, ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Bất động sản, Savills Hà Nội cho hay, thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi các chủ đầu tư cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới và tối ưu diện tích kho bãi sẵn có.

Theo ông Thomas Rooney, điểm sáng đáng kể là Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và các Hiệp định thương mại lớn được ký. Điều này đã tạo thêm sức hút của thị trường công nghiệp Việt Nam đối với danh mục đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế lớn và uy tín. Đầu tư về hệ thống hạ tầng và kho vận sẽ đồng thời củng cố chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất.

Thách thức và cơ hội

Trao đổi cùng phóng viên, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, có thể kể đến các tác động tích cực như: Tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính; Gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics; Tăng quy mô thị trường logistics do tăng hoạt động xuất - nhập khẩu; Thu hút đầu tư từ các nước.

Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là những thách thức không nhỏ, như mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gay gắt hơn; hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế. Cùng với đó, là mối lo về khả năng tiếp cận thị trường logistics của nước ngoài bị hạn chế.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 34.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tiếp cận thị trường quốc tế rất hạn chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mở rộng thị trường, doanh thu.

Do đó, theo ông Hải, việc nâng cao năng lực doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển ngành logistics trong thời gian sắp tới.

Về mặt giải pháp, theo ông Hải, sẽ có một số nội dung cần được tập trung giải quyết, trước mắt là câu chuyện hạ tầng, gồm đường sắt, đường bộ, đường hàng không và đường biển. Thời gian qua, hệ thống hạ tầng, từ cảng biển, cảng hàng không, kho bãi và đặc biệt là giao thông đã được cải thiện đáng kể và sẽ tiếp tục được nâng cấp hơn nữa.

Về cơ hội của ngành logistics những tháng cuối năm 2023, ông Hải cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, xuất khẩu nói riêng có sự sụt giảm do sự thu hẹp của các thị trường quốc tế thời gian qua, nhưng dấu hiệu phục hồi cũng đã xuất hiện. Từ nay đến cuối năm, hiệu quả hoạt động của ngành có thể sẽ được cải thiện dần theo từng tháng, lượng hàng hoá qua qua các cảng, trung tâm trung chuyển đang phục hồi trở lại, giúp ngành có thể khôi phục hoạt động kinh doanh, dịch vụ

Còn theo ông Tuấn Anh, thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng với đó là việc lồng ghép quy hoạch logistics vào quy hoạch các vùng, các địa phương. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các biểu mẫu của ngành thống kê, giúp hoàn thiện cơ sở dữ liệu về mặt kinh doanh.

Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại TP.HCM vào sáng 5/10. Được phát trực tiếp trên baodautu.vn, tinnhanhchungkhoan.vn và các nền tảng mạng xã hội của Báo Đầu tư.

Với chủ đề “Logistics Việt Nam – Con đường phía trước”, hội nghị gồm 2 phiên thảo luận. Phiên 1: “Nhận định xu hướng logistics của Việt Nam”; Phiên thứ 2 với chủ đề “Tạo cơ hội cho logistics phát triển trong tương lai”.

Tin bài liên quan