Ngày 17/12/2021, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2021.
Theo đó, Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 4.500 doanh nghiệp cung cấp logistics trực tiếp và có đến 30.000 công ty liên quan. Các đợt bùng phát dịch liên tiếp bào mòn sức chống chịu của đại bộ phận doanh nghiệp logistics. Tác động chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - bộ phận chiếm hơn hơn 90% số doanh nghiệp toàn ngành. Trong khi đó, tác động tiêu cực đối với những doanh nghiệp lớn được hạn chế bớt nhờ vị thế thị trường và nền tảng vốn vững chắc.
Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2021 - nhóm ngành Giao nhận vận tải quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4. |
Không những vậy, sự rút lui của một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp lớn gia tăng thị phần. Theo đó, đại dịch góp phần đẩy nhanh quá trình phân cực giữa những doanh nghiệp dẫn đầu với nhóm còn lại trong ngành. Tiếp theo là sự phân hóa theo nhóm ngành hoạt động. Theo báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, kết thúc quý III/2021, nhóm hỗ trợ vận tải (giao nhận, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối…) ghi nhận kết quả tích cực hơn hẳn nhóm vận tải hàng hóa và khai thác cảng.
Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2021 - nhóm ngành Vận tải hàng hóa. |
Trong năm 2021, các doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực không ngừng giúp dòng lưu chuyển hàng hóa được thông suốt, giảm thiểu tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp Việt trên đấu trường khu vực và quốc tế. Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021 của Agility cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Nằm trong chuỗi nghiên cứu về các ngành kinh tế trọng điểm, Vietnam Report đã tiến hành một số khảo sát nhằm đưa ra những đánh giá tổng quan về toàn cảnh thị trường logistics Việt Nam giai đoạn vừa qua cùng những phân tích toàn diện chiến lược được các doanh nghiệp logistics áp dụng; cũng như xu hướng, động lực, thách thức ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian tới.
Theo số liệu mới nhất vừa được Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố, kim ngạch thương mại toàn cầu đạt quy mô kỷ lục 5.600 tỷ USD trong quý III/2021. Con số này càng trở nên ý nghĩa nếu đặt trong bối cảnh quý III chính là thời điểm căng thẳng nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu khi các tuyến đường vận tải biển trở nên quá tải, các cảng biển lớn tắc nghẽn, nhiều nền kinh tế như Mỹ và Anh xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tài xế vận tải. Tính chung cả năm 2021, thương mại toàn cầu bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng 23% so với năm 2020 và 11% so với năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đối với ngành logistics Việt Nam, khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng ở nhiều nền kinh tế lớn, nhu cầu giao thương tăng mạnh, nước ta với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vẫn duy trì được hoạt động xuất nhập khẩu tương đối ổn định.
Số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, mặc dù một số cảng biển lớn khu vực phía Nam chịu tác động mạnh của dịch bệnh nhưng tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng rất tích cực, ước đạt hơn 22 triệu TEU, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành logistics do Vietnam Report thực hiện trong tháng 11/2021 cũng cho thấy, 80% số doanh nghiệp đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm nay so với năm 2020, thậm chí 83% số doanh nghiệp còn ghi nhận tăng trưởng so với năm 2019 – thời điểm trước đại dịch.