Những bước tiến rõ nét
Mở đầu câu chuyện cùng Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, theo báo cáo Chỉ số hiệu suất hậu cần (LPI) của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thị trường logistics Việt Nam đã tăng từ vị trí 53 năm 2010 lên vị trí 43 năm 2023, cho thấy tiềm năng và sự phát triển của thị trường này.
Tuy nhiên, khi so sánh với khu vực và thế giới, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai.
Theo lãnh đạo Cushman & Wakefield Việt Nam, ngành bất động sản logistics trong nước còn chưa tập trung và chưa có một quy hoạch phân vùng phát triển rõ ràng, mà nằm rải rác tại các khu vực cận trung tâm đô thị như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng và Bắc Ninh.
Cùng với đó, thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, sự cạnh tranh giữa các dự án bất động sản logistics vẫn nằm ở yếu tố vị trí địa lý hơn là chất lượng xây dựng, cơ sở hạ tầng nội khu hay chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, tỷ lệ các ngành công nghiệp có giá trị thặng dư vẫn còn thấp, đa phần khách thuê logistics đến từ các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực lao động như thực phẩm, dệt may và may mặc, đồ gỗ và nội thất, các sản phẩm từ cao su và nhựa…
Cuộc khảo sát thường niên của Cushman & Wakefield đối với các khách hàng hàng đầu toàn cầu gần đây nhất (năm 2022) cho thấy, Ấn Độ được hơn 60% số người được hỏi xếp hạng là thị trường mới nổi ưa thích của họ (trừ Trung Quốc Đại lục) để đầu tư.
Tuy nhiên, dựa trên cơ sở ưu tiên thứ nhất và thứ hai, Việt Nam là thị trường mới nổi được lựa chọn, chiếm gần 80% số phiếu bầu, cao hơn mức 75% của Ấn Độ.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam cũng thông tin, Việt Nam đang trở thành đầu mối liên kết quan trọng trong giao thương quốc tế nhờ các lợi thế chiến lược như vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào và giá thuê đất hợp lý. Hưởng lợi từ đó, ngành logistics Việt Nam ghi nhận tốc độ phát triển nhanh trong những năm qua.
Theo báo cáo thị trường vận tải hàng hóa và logistics Việt Nam năm 2024 của Mordor Intelligence, quy mô thị trường ước đạt 48,38 tỷ USD và dự báo cán mốc 65,34 tỷ USD vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2024-2029 là 6,19%.
Lãnh đạo Avison Young Việt Nam cho biết, so với các thị trường trong khu vực châu Á, thị trường logistics Việt Nam được đánh giá có tiềm năng cao.
Chẳng hạn, về chi phí vận chuyển quốc tế, hiệu quả logistics của Việt Nam tương đương với 2 thị trường thuộc tốp đầu là Malaysia và Singapore (Nguồn: Báo cáo Cost of Doing Business in Asia năm 2021 của TMX).
Chỉ số LPI của World Bank cũng cho thấy, năm 2023, Việt Nam xếp hạng 43/160, nằm trong Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và bằng hạng với Philippines.
Cải thiện chi phí và thủ tục
Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh, Công ty cổ phần Long Hậu cho hay, trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh và được đánh giá cao trong thu hút đầu tư: Đầu tiên là sự ổn định và có bề dày kinh nghiệm trong thu hút FDI; tiếp theo là chuỗi cung ứng của một số ngành, Việt Nam cũng đã làm tốt và đây là điểm quý giá cần duy trì; sau cùng là 2 yếu tố phụ gồm lực lượng lao động và thị trường (thị trường nội địa và từ Việt Nam ra thế giới).
Dù vậy, ông Hiếu cũng cho rằng, hạ tầng nói chung và hạ tầng logistics nói riêng cùng chất lượng nguồn nhân lực là những yếu tố cần phải cải thiện hơn nữa. Bởi so với những thị trường dẫn đầu, chẳng hạn như Malaysia, không khó để nhận thấy hạ tầng tại Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể.
“Đầu tư cho hạ tầng để giảm thiểu chi phí về logistics (cả cho người lao động đi làm và hoạt động xuất, nhập hàng hóa) là rất quan trọng, cùng với đó là các hỗ trợ về kỹ thuật, lao động... Cần tập trung thu hút tốt các ngành phụ trợ và nâng cao tay nghề người lao động, gắn với tạo điều kiện cho lao động có được môi trường sống và làm việc được ổn định”, ông Hiếu nói.
Liên quan tới chi phí logistics, ông David Jackson cho biết, hiện tại, chi phí này tại Việt Nam tương đối cao (bằng Thái Lan, chỉ thấp hơn Campuchia - theo báo cáo của TMX). Để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, ngành logistics Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực giảm chi phí, tăng hiệu quả về vận chuyển, thời gian và thủ tục hải quan.
Tất cả nỗ lực này đều được thể hiện qua các mục tiêu mà Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh: Đưa dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, nâng cấp hạ tầng logistics, tinh gọn và minh bạch hệ thống pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư nước ngoài…
Lãnh đạo Avison Young Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội để tăng ứng dụng công nghệ logistics vào nhà xưởng, kho bãi, từ đó mở ra hướng đi cho các phân khúc “ngách” như nhà kho, nhà xưởng thông minh.
Trong khi đó, quản trị chuỗi cung ứng không chỉ là bài toán của doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp tối ưu về sản xuất, vận tải, cung ứng, kho bãi và bán lẻ. Ở góc độ quốc gia, giống như “nhạc trưởng” điều phối nền kinh tế, Chính phủ khi có chiến lược quốc gia về quản trị chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò then chốt trong cho sự phát triển của ngành logistics.
“Bên cạnh đó, trong quá trình quản trị chuỗi cung ứng quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và liên bộ, ngành cũng cần liên tục quan sát, điều chỉnh, cải tiến vì tình hình thế giới luôn biến động tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như gia tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ”, ông David Jackson nói.
Cùng quan điểm, bà Trang Bùi nhìn nhận, với nền tảng kinh tế trong nước đang ổn định, đồng thời chi phí logistics tại các quốc gia trong khu vực ngày càng tăng cao, ngành logistics Việt Nam có dư địa để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường này, đó là tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và kho bãi để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số chi phí vận hành.
Theo lãnh đạo Cushman & Wakefield Việt Nam, bên cạnh các nhu cầu logistics truyền thống, sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh và mức độ phủ sóng mạng 4G, 5G ngày càng mở rộng đã thúc đẩy doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng, kéo theo đó là áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng và nhà kho.
Chính vì vậy, sự vào cuộc của các cấp, bắt đầu từ Chính phủ là rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược quản trị chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của ngành logistics.
Theo đó, Chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và kho bãi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain… và các giải pháp dựa trên công nghệ đám mây để quản lý chuỗi cung ứng, việc số hóa chuỗi cung ứng giúp tăng cường khả năng giám sát, thu thập dữ liệu và dự báo, từ đó nâng cao khả năng ứng phó với các biến động từ bên ngoài; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy hợp tác quốc tế; chuẩn bị các biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch hoặc thiên tai.
“Việc Chính phủ tham gia vào hoạch định chiến lược quản trị chuỗi cung ứng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn tăng cường tính cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Hội nghị Logistic Việt Nam năm 2024
Hội nghị Logistic Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá" do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào thứ Năm ngày 31/10/2024 tại KS JW Marriott Saigon (82 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM).
Với sự tham dự của hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế, Hội nghị sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu những vấn đề cấp bách nhất của ngành như các thách thức và xu hướng mới, hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, và phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới.
Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin của Hội nghị được cập nhật thường xuyên tại: https://logsummit.vir.com.vn/.