Thách thức từ cả bên ngoài và bên trong
Theo Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans, mã chứng khoán STG), sau giai đoạn 2020 - 2021 ghi nhận giá cước và sản lượng vận chuyển tăng cao, thì kể từ giữa năm 2022, sản lượng liên tục giảm, buộc các hãng tàu dần điều chỉnh giá cước về mức tương đương cuối năm 2019. Năm 2023, tình hình hoạt động của ngành logistics được nhận định đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thực tế đang cho thấy điều này.
Xung đột Nga - Ukraine khiến giá năng lượng biến động thất thường, kinh tế châu Âu gặp khó khăn, nhu cầu về hàng hóa suy giảm, trong khi đây là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Trên bình diện toàn cầu, kinh tế thế giới rơi dần rơi vào suy thoái. Năm 2022, giá nhiên liệu, thực phẩm tăng mạnh và để chống lại lạm phát, các ngân hàng trung ương lớn, nhất là Mỹ và châu Âu, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Lạm phát đến nay dần hạ nhiệt, nhưng hệ quả là kinh tế suy yếu, thất nghiệp gia tăng, thu nhập người dân giảm sút, lãi suất tăng cao… đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Agility, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu; năm 2023 nâng lên 1 bậc, lọt vào Top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9%.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam như cảng biển, kho bãi còn hạn chế, các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí cao, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa. Năm ngoái, chi phí logistics trung bình của Việt Nam chiếm 16,8 - 17% giá trị hàng hóa, một số mặt hàng như gỗ chiếm tới 20 - 25%, trong khi Singapore là 8,5%, Malaysia là 13%, Thái Lan là 15,5%, trung bình thế giới là 10,7%.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu giảm tốc, chi phí gia tăng (bao gồm chi phí lãi vay), cạnh tranh gay gắt… đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển nói riêng, logistics nói chung.
Cụ thể, trong I/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship, mã chứng khoán VSC) ghi nhận 42,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 60% so với cùng kỳ. Tương tự, lợi nhuận của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An, mã chứng khoán HAH) là 119 tỷ đồng, giảm 40%; Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD) là 202 tỷ đồng, giảm 26%; Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán VSA), là 8,8 tỷ đồng, giảm 20%; Công ty cổ phần Transimex (mã chứng khoán TMS) là 52,5 tỷ đồng, giảm 79%; Công ty cổ phần Đại lý Vận tải SAFI (mã chứng khoán SFI) là 21,9 tỷ đồng, giảm 65%; Sotrans là 39,8 tỷ đồng, giảm 36%...
Dự phóng lợi nhuận năm 2023
Giá cước vận tải trở về mức thấp của giai đoạn 2011 - 2019 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp logistics trong các quý tiếp theo. Riêng nhóm vận tải biển, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, áp lực gia tăng từ nguồn cung tàu mới có thể khiến thị trường dư cung và giá cước giảm thêm.
Thực tế, triển vọng khó khăn khiến hầu hết các doanh nghiệp logistics lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 ở mức thấp so với năm 2022.
Chẳng hạn, Hải An đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 2.959 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 492 tỷ đồng, giảm 41% so với năm ngoái, vì khi giá cước vận chuyển và giá cho thuê tàu ở mức thấp, hiệu quả đầu tư đội tàu sẽ giảm.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS), nguồn thu chính của Hải An đến từ hoạt động vận chuyển, đang chịu áp lực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, nên dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2023 chỉ đạt 414,4 tỷ đồng, giảm 49,5% so với năm 2022.
Với Gemadept, MAS dự phóng, năm 2023, sản lượng và doanh thu cảng biển không đổi, nhưng doanh thu logistics có thể giảm. Theo đó, tổng doanh thu của Gemadept ước đạt 3.784,9 tỷ đồng, giảm 3,3%; lợi nhuận sau thuế 2.389,4 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2022. Yếu tố giúp lợi nhuận năm nay tăng là nhờ Gemadept vừa chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ (đơn vị sở hữu cảng container Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng) cho Viconship.
Cả hai bên đều không công bố giá trị chuyển nhượng, nhưng Công ty Chứng khoán Agribank nhận định, giá bán 84,66% cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ khoảng 2.000 tỷ đồng, có thể mang lại một khoản lợi nhuận bất thường 1.240 tỷ đồng cho Gemadept.
Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) dự phóng, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của Gemadept đạt 2.061 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2022, nhờ thoái vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ.
ABS dự báo, sau thương vụ này, năng lực của Viconship trong hệ thống cảng containter tại Hải Phòng sẽ được nâng từ 12% lên 17% tổng công suất. Ngược lại, công suất của Gemadept chỉ giảm từ 14% xuống 13% do giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ đi vào hoạt động trong năm 2023, đủ bù đắp phần công suất của cảng Nam Hải Đình Vũ.
Trong khi đó, Viconship được MAS dự phóng đạt 2.230 tỷ đồng doanh thu và 187,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023; doanh thu tăng 11,1%, nhưng lợi nhuận giảm 52,4% so với năm 2022, do chi phí hoạt động và chi phí tài chính dự kiến tăng mạnh.
Một doanh nghiệp dự kiến năm nay ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan là Sotrans, với kế hoạch đạt doanh thu hợp nhất 3.180 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế 406 tỷ đồng, tăng 60% so với năm ngoái. Để đạt được mục tiêu đề ra, Sotrans cho biết, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung chuyên môn hóa các lĩnh vực kinh doanh của từng công ty thành viên, tập trung phát triển mảng giao nhận vận chuyển quốc tế, nội địa và kinh doanh kho bãi.
ABS đánh giá, tình hình kinh tế của các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang suy yếu do lãi suất và tồn kho bán lẻ duy trì ở mức cao, số lượng đơn đặt hàng liên tục giảm... Mặc dù vậy, với tốc độ lạm phát chậm dần trong 2 tháng gần đây, ABS kỳ vọng, chu kỳ kinh tế các thị trường đó sẽ tạo đáy trong nửa cuối năm 2023 và hồi phục dần, giúp sản lượng sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam gia tăng, kéo theo nhu cầu vận chuyển tăng trở lại.