Xuất khẩu gạo quay lại thời hoàng kim
Nửa đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục ghi nhận những con số ấn tượng: Sản lượng đạt gần 4,22 triệu tấn và giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và 35,3% về giá trị.
Triển vọng xuất khẩu gạo trong nửa cuối năm của cả nước được Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định tiếp tục tích cực. Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Nhất Việt kỳ vọng về màn bứt phá của ngành gạo trong năm 2023 nhờ giá bán và sản lượng đều tăng khi nguồn cung gạo trên thế giới dự báo thâm hụt do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino.
Là tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, sở hữu chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, từ nghiên cứu, sản xuất và phân phối hạt giống, nông dược, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, đến sản xuất và buôn bán lúa gạo, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ việc xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trở lại thời hoàng kim như 10 năm trước.
Lô gạo Jasmine 85 xuất khẩu đi thị trường EU sau Hiệp định EVFTA. |
Được biết, những năm gần đây, mảng lương thực (trong đó chủ yếu là lúa gạo) đã đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn. Riêng quý I/2023, mảng lương thực đạt doanh thu 1.675,3 tỷ đồng, chiếm 67,5% tổng doanh thu; mảng thuốc bảo vệ thực vật đóng góp 619,2 tỷ đồng doanh thu, chỉ còn chiếm tỷ trọng 24,9% tổng doanh thu.
Lộc Trời đầu tư cơ sở để đón đầu đà tăng trưởng
Năm 2010, ngành lương thực của Lộc Trời chính thức được khởi động. Những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên được Công ty xây dựng trên khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chuỗi giá trị lúa gạo đầu tiên của Việt Nam từng bước được định hình. Từ đó đến nay, Công ty không ngừng đầu tư để đẩy mạnh chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Để đảm bảo năng lực tổ chức sản xuất lớn, cung ứng trên 2 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường, xuất khẩu gạo đến hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới, Lộc Trời đã xây dựng đội ngũ hơn 3.400 cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn cao trong toàn hệ thống.
Hoạt động phát triển nguồn nhân lực được Tập đoàn chú trọng thực hiện, thông qua giao lưu với các trường đại học hàng đầu tại khu vực, đăng tải công khai thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, cải thiện môi trường làm việc, hệ thống chính sách phúc lợi để thu hút và giữ chân nhân tài. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp Lộc Trời “thăng hạng” trong danh sách “Top 100 nhà tuyển dụng được yêu thích”.
Đối với cơ sở hạ tầng, để vận hành ổn định chuỗi giá trị lúa gạo, Tập đoàn đầu tư hệ thống 16 nhà máy sản xuất sở hữu và liên kết (giống, phân, thuốc, gạo), trên 270 máy nông nghiệp nhằm tăng cường hoạt động cơ giới hóa đồng bộ tại 1 triệu ha vùng nguyên liệu; đồng thời có gần 200 thiết bị bay không người lái (drone) để sạ giống/phân, phun thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ bà con nông dân quản lý mùa vụ hiệu quả.
Đầu năm 2023, hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời chào đón thành viên mới, Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân (LNG), qua đó nâng năng lực sấy đạt 20.000 tấn lúa tươi/ngày, mở rộng năng lực bao tiêu lên 2 triệu tấn lúa hàng hóa và cung cấp trên 1 triệu tấn gạo mỗi năm đạt các tiêu chuẩn quản lý chất lượng khắt khe như BRCGS, SMETA, HACCP, HALAL… cho thị trường trong nước và cung ứng xuất khẩu.
Lộc Trời chính thức công bố vận hành hệ thống ERP SAP S/4HANA & IFRS từ năm 2021. |
Trong các hoạt động quản trị, vận hành sản xuất - kinh doanh, Lộc Trời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số thông qua 4 trụ cột chính, gồm hệ thống quản trị nguồn lực SAP S/4HANA; hệ thống quản lý liên kết sản xuất; các phần mềm/ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số hỗ trợ các hoạt động quản lý, vận hành sản xuất - kinh doanh; đầu tư cơ sở hạ tầng là các máy móc, thiết bị phục vụ cho các hoạt động số hóa tại Tập đoàn.
Dựa trên 4 trụ cột, từ năm 2022, Lộc Trời thiết lập mô hình số hóa “3 không” - “Văn phòng không giấy, Mặt ruộng không dấu chân, Canh tác không tiền mặt”. Trong đó, “Văn phòng không giấy” được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống quản trị nguồn lực SAP S/4HANA, hệ thống Văn phòng số, các ứng dụng Microsoft Office… để quản trị nguồn lực, theo dõi tiến độ công việc cập nhật theo thời gian thực, ban hành các chính sách và tiết giảm lượng giấy sử dụng.
Đối với “Mặt ruộng không dấu chân”, Tập đoàn thực hiện tổ chức sản xuất lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, drone, công nghệ số vệ tinh, chuẩn đoán sâu bệnh/dịch hại thông qua trí tuệ nhân tạo (AI)…, từ đó giúp giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả mùa vụ.
“Canh tác không tiền mặt” được Lộc Trời triển khai thông qua hệ thống quản trị nguồn lực SAP S/4HANA và hệ thống quản lý liên kết sản xuất.
Nhờ tích hợp quản lý thông tin nông dân, khu vực canh tác, hợp tác xã, hợp đồng, tạm ứng vật tư nông nghiệp, cung cấp dịch vụ cơ giới hóa, tài trợ tín dụng thông qua liên kết ngân hàng, chốt giá, thu mua và thanh toán, cũng như kết nối bản đồ số trong tổ chức cánh đồng lớn vào cùng hệ thống quản lý liên kết sản xuất và đồng bộ số liệu với hệ thống SAP, Lộc Trời đã hỗ trợ nông dân liên kết với ngân hàng thực hiện canh tác không tiền mặt, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng tính minh bạch và trách nhiệm cá nhân của toàn đội ngũ.
Trong giai đoạn 2023-2025, Lộc Trời tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất nông sản quy mô lớn, ứng dụng quy trình canh tác khoa học, cung ứng vật tư nông nghiệp chất lượng, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, drone vào sản xuất để giảm lượng hóa chất thải xuống đồng ruộng, tăng hiệu quả, tiết giảm chi phí, hướng đến ổn định giá thành sản xuất, đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài cho nông dân liên kết, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng những tiêu chí ngày càng khắt khe của thị trường thế giới.