Giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, nhưng nhà đầu tư vẫn thận trọng với quyết định mua vào.

Giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, nhưng nhà đầu tư vẫn thận trọng với quyết định mua vào.

Lọc tìm “hàng cơ bản”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Săn lùng cơ hội đầu tư lúc thị trường điều chỉnh vẫn là chiến thuật quen thuộc và hiện tại, “kiên định với cơ bản tốt của ngành và doanh nghiệp” là xu hướng được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.

Lý giải cho sự điều chỉnh của thị trường kéo dài thời gian qua, đa phần ý kiến các thành viên thị trường đều đồng tình rằng, nguyên nhân chính đến từ các chỉ số kinh tế vĩ mô dù đã có sự phục hồi hơn so với nửa đầu năm nhưng vẫn không như kỳ vọng.

Cộng thêm đó, lợi nhuận quý III của doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề kinh doanh lộ ra gam màu tối cho thấy doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn, cộng hưởng thêm diễn biến căng thẳng địa chính trị bùng phát tại không ít khu vực trên thế giới.

“Bởi vì triển vọng mờ mịt quá, nên nhìn mặt bằng giá cổ phiếu sau khi điều chỉnh giảm chung với thị trường có vẻ rẻ nhưng không rẻ quá. Bởi vậy, để xuống tiền trong bối cảnh nhiều yếu tố khó đong đếm, rủi ro như hiện nay, cần phải rẻ hơn và nhất định danh mục phải có những cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có dư địa tăng trưởng. Các doanh nghiệp có lợi thế cạnh như DGC, GMD… rất đáng để xem xét những lúc giảm sâu như thế này”, một nhóm nhà đầu tư trao đổi sau phiên giảm mạnh bất ngờ ngày 26/10.

Diễn biến điển hình có thể lấy làm ví dụ là với cổ phiếu DCM của Phân bón Dầu khí Cà Mau, vốn được dòng tiền rất quan tâm trong sóng tăng vừa qua, đang có sự sụt giảm về giá (vì tác động chung của thị trường), nhưng cái chính là kết quả kinh doanh quý III công bố không như kỳ vọng của nhà đầu tư. Đây là cổ phiếu vốn dĩ có lịch sử cơ bản tốt, lịch sử trả cổ tức đều và đặc biệt năm 2024, DCM dự kiến sẽ hết khấu hao, qua đó giúp tăng trưởng lợi nhuận.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ước tính chi phí khấu hao của DCM trong năm 2024 sẽ giảm 877 tỷ đồng so với năm 2023. BVSC nhận định, việc hết khấu hao nhà máy urê là đòn bẩy giúp DCM dự báo có lợi nhuận tăng trưởng 61% trong năm 2024. Bên cạnh đó, DCM có năng lực tài chính mạnh mẽ với số dư tiền mặt ròng 10.200 tỷ đồng; trong khi đó, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu là 92,1% vào cuối quý II/2023.

Một group các nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu DCM ở vùng giá hợp lý, với kỳ vọng giá sẽ tiến lên gần 4x sẽ hiện thực hóa lợi nhuận, đã hành động bán sớm cổ phiếu này vì lý do quý III - lần đầu tiên sau 11 quý - doanh nghiệp ghi nhận con số lãi dưới trăm tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các yếu tố cơ bản của DCM vẫn đang duy trì, nhiều nhà đầu tư đang đợi giá cổ phiếu điều chỉnh về mức phù hợp hơn để mua lại.

Trên thực tế, bên cạnh yếu tố cơ bản của doanh nghiệp thì với đà giảm giá sâu, kéo dài, không ít nhà đầu tư lo ngại áp lực từ dư nợ vay giao dịch ký quỹ (margin) gia tăng, bị công ty chứng khoán yêu cầu bổ sung tài sản ký quỹ (call margin) nếu không sẽ bị giải chấp (force sell), bởi như hòn tuyết lăn, thị trường càng giảm thì call margin càng nhiều, giá càng xuống và cổ phiếu càng bị bán mạnh.

“Bắt đáy không phải là hành động nên làm ngay sau những phiên giảm sâu, cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém sẽ tiếp tục lao dốc, sẽ không biết đâu là đáy. Giá cổ phiếu kém chất lượng vẫn đang ở… trên trời”, nhà đầu tư Quang Vinh chia sẻ.

Các ý kiến ghi nhận từ nhà đầu tư cho thấy, dù trường phái đầu tư nào, vấn đề cốt lõi là sức khỏe, chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn là biến số được nhà đầu tư tham gia thị trường theo dõi, bởi đây là nền tảng căn cơ cho thị trường phát triển bền vững, cộng thêm yếu tố dòng tiền sẽ quyết định xu hướng của thị trường.

Quay trở lại với diễn biến gần nhất trong tuần qua, phản ứng chung của dòng tiền cũng khẳng định thêm điều này. Có 2 nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh, một là bất động sản nhà ở, với tỷ trọng lớn trong vốn hóa thị trường. Việc giá cổ phiếu VHM lao dốc đã ảnh hưởng tới toàn nhóm, nhất là khi đây là nhóm có triển vọng cuối năm ở mức thấp. Nếu như giai đoạn trước, nhóm này tăng giá mạnh bởi kỳ vọng từ các chính sách hỗ trợ, thì giai đoạn hiện tại, thị giá đang trả về đúng hơn với thực trạng kinh doanh còn bộn bề khó khăn của ngành.

Thứ hai là nhóm chứng khoán, thị trường điều chỉnh kèm thanh khoản giảm khiến các nhà đầu tư hạ triển vọng kết quả kinh doanh quý IV, cộng thêm đặc tính nhạy với biến động thị trường, nên giá đã giảm sâu trong thời gian qua.

Câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và dòng tiền vẫn luôn là những yếu tố chính định hình xu hướng thị trường.

Theo giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán có thị phần trong Top 5, nhìn chung, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là trạng thái “thiếu tiền”, nên dễ có nhiều diễn biến khó lường. Điều quan trọng nhất lúc này là kiểm soát margin tài khoản về mức thấp để tránh trường hợp bị call margin hoặc force sell khi thị trường duy trì đà giảm. Cần chờ thêm động thái của nhóm nhà đầu tư lớn và quỹ, nhưng với đợt giảm mạnh này, mặt bằng định giá nhiều cổ phiếu đã về mức hợp lý hơn.

Theo vị giám đốc môi giới trên, các cổ phiếu có P/E < 10 và P/B < 1 sẽ tạo cơ hội mua tích lũy phù hợp cho nhà đầu tư định hướng nắm giữ dài hạn. Tuy nhiên, để xác định điểm mua thì cần lưu ý rủi ro trước mắt thấy được sẽ là tình trạng call margin chéo trên thị trường, nên áp lực bán vẫn còn. “Rẻ” vẫn có thể “rẻ” hơn, và trong bối cảnh đồng USD vẫn đang leo thang thì Việt Nam sẽ còn ở thế khó, nên trước mắt cần để ý thêm điểm này.

Đồng thời, thị trường khi hồi phục sẽ cần sự góp sức của nhóm ngân hàng mới đủ tạo hiệu ứng chỉ số. Thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện có mức định giá P/B dưới 1, nhà đầu tư có thể theo dõi nhóm này để cập nhật thêm tín hiệu thị trường. Cụ thể, một số cổ phiếu ngân hàng với P/B đã về dưới 1 là MBB (0,95), TCB (0,83), MSB (0,8), SHB (0,65), ABB (0,6).

Nhà đầu tư Hải Minh đi cùng thị trường từ những ngày lập sàn đến nay cho rằng, yếu tố cơ bản của doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong quyết định đầu tư. Ở giai đoạn hiện nay, anh quan tâm nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, ngân hàng và logistics.

Theo luận điểm của nhà đầu tư Minh, xuất khẩu gần như là trụ cột quan trọng cho động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nên doanh nghiệp nội địa và FDI đều phải hướng vào. Mà ngành này có liên quan đến yếu tố hạ tầng nên khả năng thâm nhập ngành không đơn giản cho người mới. Nếu thu hút FDI tăng, thì xuất khẩu tăng.

Tương tự, logistic cũng sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu, nhưng đây là câu chuyện cho trung và dài hạn. Còn với nhóm khu công nghiệp và ngân hàng, có thể đầu tư tốt và thành quả có thể thể hiện nhanh hơn ngành logistics. Riêng với dầu khí, cơ bản là ngành đang được hưởng lợi, nhưng nhà đầu tư Minh có phần e ngại “đặc tính” của ngành khiến nhà đầu tư khó có thể đánh giá đầy đủ các yếu tố nội tại của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan