Bình Định có bờ biển dài 134 km, với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh biển hấp dẫn
Bước ngoặt từ lọc dầu
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Dự án Victory) vào Quy hoạch Phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2025. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của Dự án phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trong đó, Bình Định cần lưu ý, Dự án phải đáp ứng yêu cầu công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại; tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm của Dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm về an toàn và bảo vệ môi trường; làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư, của Nhà nước và tỉnh Bình Định trong Dự án; rà soát chặt chẽ về tính pháp lý trước khi cấp phép, nhất là các điều khoản về cam kết trách nhiệm của phía Việt Nam...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Bình Định trong việc rà soát về pháp lý; về năng lực của nhà đầu tư, công nghệ áp dụng cho Dự án.
Liên quan đến cơ chế, chính sách cho Dự án, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý nguyên tắc một số cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án. Cụ thể, Thủ tướng đồng ý đưa Dự án vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. Dự án được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm đầu; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu dầu thô; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được để xây dựng nhà máy.
Đồng thời, Dự án được bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật Việt Nam, được tổ chức kinh doanh phân phối sản phẩm của Dự án ra thị trường theo quy định hiện hành về kinh doanh sản phẩm xăng dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu.
Dự án được miễn tiền thuê đất trong thời hạn hoạt động của Dự án; việc cho thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Về thuế xuất khẩu sản phẩm của Dự án và gia hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn, trên cơ sở kết quả thiết kế tổng thể (FEED).
Chính phủ bảo đảm ổn định pháp luật về đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư hiện hành; bảo đảm quyền tham gia Dự án của các nhà đầu tư và các nhà cho vay theo quy định của pháp luật Việt Nam; bảo đảm việc cân đối ngoại tệ theo quy định tại Pháp lệnh Quản lý ngoại hối và các quy định pháp luật Việt Nam khác liên quan. Chính phủ cũng ủng hộ quyền ưu tiên mở rộng công suất của Dự án.
Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thông tin trên đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với tiến trình xúc tiến triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội. Đây là một trong những dự án động lực cho tỉnh Bình Định, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực liên quan đến lọc hóa dầu tại tỉnh, đưa kinh tế địa phương phát triển vững chắc trong thời gian tới.
Bà Thủy cho rằng, chủ trương của Chính phủ về việc đưa dự án vào quy hoạch tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án triển khai nhanh các bước tiếp theo sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho sự phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội, cũng như việc kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Định.
Hiệu ứng vệ tinh
Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có tổng diện tích tự nhiên 6.025 km2, cách Thủ đô Hà Nội 1.065 km, cách TP.HCM 686 km, cách TP. Đà Nẵng 300 km, cách Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum, giáp biên giới với Lào) 300 km, cách Cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) 250 km, cách Cửa khẩu Văng Tàu, tỉnh Champasak (Lào) và Ubon Ratchathani (Thái Lan) 500 km.
Chính phủ Việt Nam xác định, xây dựng TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thành trung tâm tăng trưởng kinh tế phía Nam của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối giao thông đường bộ và cảng biển phục vụ trực tiếp cho vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Cảng quốc tế Quy Nhơn là một trong 3 cảng biển tổng hợp lớn của Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế khu vực, là đầu mối chuyển tiếp hàng hóa quá cảnh cho một số tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia qua Quốc lộ 19 và Quốc lộ 14.
Bình Định có bờ biển dài 134 km, với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh biển hấp dẫn như Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang; có nguồn lợi hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao. Bình Định đã hình thành và phát triển các ngành sản xuất công nghiệp như chế biến nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc, giày dép xuất khẩu....
Song song với việc triển khai nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19, Bình Định đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, nhằm tạo ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư từ Lào, Thái Lan, Campuchia… đến với Bình Định đầu tư, giao thương kinh tế. Bình Định cũng đang tập trung đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhìn nhận, với tiềm năng và lợi thế như vậy, Bình Định đủ điều kiện phát triển các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, dụ lịch… “Bình Định chọn cách tiếp cận nhà đầu tư theo hướng đối thoại trực tiếp, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, có ngành nghề phù hợp với sự phát triển của Bình Định. Qua đó, Bình Định kỳ vọng sẽ kết nối được những nguồn vốn đầu tư nước ngoài đủ mạnh, tạo cú huých cho kinh tế phát triển”, ông Dũng cho biết.
Theo thông tin từ chính quyền tỉnh Bình Định, Công ty Becamex IDC và Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư khả thi Khu phức hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ và đô thị với diện tích trên 1.000 ha tại tỉnh.
Và mới đây nhất, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Bangkok (Thái Lan), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit cũng bày tỏ ý định tìm hiểu đầu tư xây dựng một khu công nghiệp lớn tại tỉnh Bình Định.
Nhờ công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch đi trước một bước nên hoạt động kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây trở nên sôi động hẳn lên, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Một loạt khu du lịch, khách sạn cao cấp ven biển được mọc lên và dần khẳng định thương hiệu như: Avani Quy Nhơn Resort & Spa (Bãi Dài), resort Hoàng Gia - Quy Nhơn, khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến, Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn, Khu du lịch Vĩnh Hội…
Điều đáng mừng là, tỉnh Bình Định đang triển khai Dự án Khu du lịch Hải Giang do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn I năm 2015. Đây sẽ là dự án mang tính động lực, tạo bước ngoặt quan trọng cho ngành du lịch Bình Định trong tương lai, với tuyến cáp treo dài 1,5 km kết hợp các hạng mục như khách sạn cao cấp với khoảng 300 phòng, biệt thự nghỉ dưỡng, công viên vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng, sân golf…
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của Bình Định trong những năm tới chính là thu hút những dự án vệ tinh trên tất cả các lĩnh vực như thương mại, đào tạo, du lịch, dịch vụ và công nghiệp phụ trợ… để đáp ứng hậu cần cho dự án lọc dầu Nhơn Hội trong tương lai.
Với nhận định này, tỉnh Bình Định đang đặt kỳ vọng lớn vào “hiệu ứng lọc dầu” đối với thu hút đầu tư trên mọi lĩnh vực. Điều này hứa hẹn sẽ biến Bình Định trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong tương lai gần.