Chạy đua vận hành
Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), tới thời điểm ngày 24/10, tiến độ vận hành thử nghiệm của nhà máy đạt 37%, đang chậm so với kế hoạch đề ra là 87%.
NSRP đang phải khắc phục nhiều khiếm khuyết kỹ thuật và có thể sẽ chưa đạt được mốc tiến độ sẵn sàng khởi động nhà máy theo kế hoạch đề ra. Theo dự kiến, mốc tiến độ này có thể đạt được vào cuối tháng 11 hoặc trong tháng 12/2017.
Với kế hoạch khởi động ban đầu các phân xưởng công nghệ là sau khi đạt được mốc tiến độ sẵn sàng khởi động nhà máy (RSFU), tất cả các phân xưởng phụ trợ cần thiết như phân xưởng điện hơi sẽ cần được khởi động và sẵn sàng cung cấp.
Liên quan đến hợp đồng EPC của dự án, tới cuối tháng 10/2017, tiến độ tổng thể thực tế hoàn thành của dự án đạt 97,78%, vẫn chậm 2,2% so với kế hoạch đề ra. Trước đó, vào ngày 30/4/2017, NSRP đã chấp thuận và phê duyệt Giấy chứng nhận hoàn thành cơ khí tổng thể của dự án.
Điểm chuyển giao rủi ro của dự án từ nhà thầu sang NSRP được tính là từ ngày 8/5/2017, nghĩa là từ thời điểm chuyển giao rủi ro, NSRP sẽ kiểm soát, bảo quản và bảo dưỡng nhà máy.
Cũng để đảm bảo an toàn và hợp lý trong công tác vận hành về lâu dài, đại diện NSRP đã đề xuất tới các cơ quan chức năng việc bố trí khu tránh trú bão mới quanh địa bàn Thanh Hóa - Nghệ An. Hiện, vùng tránh trú bão cho các tàu của nhà máy đang được quy định là ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Như vậy, nếu xảy ra mưa bão, các tàu nhận xăng dầu sẽ phải di chuyển để tránh trú bão với thời gian đi lại nhanh nhất là 4 ngày.
Vào ngày 30/8/2017, Cục Môi trường Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã yêu cầu NSRP xây dựng hồ điều hòa với dung tích lưu trữ lượng nước thải tối đa 3 ngày, hồ sinh học và bổ sung hệ thống giám sát tự động bằng camera và truyền dữ liệu tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Đại diện phía NSRP cho hay, đây là dự án sử dụng tổ hợp công nghệ mới nhất và đòi hỏi đảm bảo về an toàn và phòng chống cháy nổ cao. Do vậy, việc lắp đặt hệ thống giám sát trực tuyến bổ sung trên các hệ thống hiện có yêu cầu kỹ thuật cao và tính nhất quán để đảm bảo an toàn của nhà máy.
Theo ông Đinh Văn Ngọc, Phó tổng giám đốc NSRP, Nhà máy đang tiến hành hoàn thiện tất cả các đề xuất của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước ngay trước thời điểm sẵn sàng khởi động toàn bộ nhà máy. Riêng về vấn đề môi trường, nhà máy đã phối hợp với bên tư vấn để khảo sát, thiết kế hồ sinh học và hệ thống giám sát trực tuyến, dự kiến hoàn thành các yêu cầu bổ sung trên vào cuối tháng 12/2018. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản cho phép nhà máy chạy thử các phân xưởng chế biến.
Thách thức bán hàng
Cho tới nay, để phục vụ công tác chạy thử, NSRP cũng đã nhập khẩu 2 chuyến tàu dầu thô với khối lượng 540.000 tấn.
Theo kế hoạch của NSRP, tổng khối lượng dầu thô dự kiến được đưa vào chế biến năm 2018 khoảng 6,4 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 5,3 triệu tấn sản phẩm gồm 1,7 triệu tấn LPG; 1,49 triệu tấn xăng; 2,7 triệu tấn dầu... Các sản phẩm đầu ra được bao tiêu bởi các nhà bao tiêu dài hạn trên cơ sở các thỏa thuận bao tiêu dài hạn (được ký năm 2013). Nhà máy và các nhà bao tiêu đã sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận bao tiêu ngay khi có sản phẩm.
Với quy mô 10 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, thách thức lớn nhất của NSRP chính là tiêu thụ hết sản phẩm làm ra.
Là đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất hiện nay ở Việt Nam với khoảng 40% thị phần, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho hay, Petrolimex và các đầu mối khác mong chờ NSRP sớm đưa sản phẩm ra thị trường để các đầu mối kinh doanh xăng dầu có nguồn hàng đa dạng hơn.
Tuy mong chờ tăng được khối lượng mua hàng ngay tại trong nước, giảm áp lực lo ngoại tệ nhưng trên thực tế vẫn còn những vấn đề khiến Petrolimex chưa yên tâm.
“Vấn đề giá bán, các hợp đồng ngắn hạn, dài hạn cần được đàm phán rõ ràng và chốt dứt điểm”, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex bày tỏ.
Một vấn đề khác cũng được nhắc tới trong việc vận hành mua hàng từ NSRP để có nguồn hàng ổn định là luồng tàu và tải trọng tàu.
NSRP tiến tới sẽ đón được tàu tải trọng 40.000 - 50.000 tấn nhưng hiện tại mới đáp ứng được tàu tải trọng 30.000 tấn, như vậy, sẽ phải cần khoảng 300 chuyến tàu/năm để thực hiện việc mua bán sản phẩm của NSRP và con số này là khá căng thẳng trong điều kiện luồng tàu hiện nay của Nghi Sơn mới chỉ đáp ứng được một chiều, nghĩa là tàu vào thì không có tàu ra hoặc ngược lại. “Khu vực tổng kho xăng dầu ở Nhà Bè đón được tàu 40.000-50.000 tấn, luồng lạch từ Nhà Bè ra Vũng Tàu cũng khá thuận lợi nhưng mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 110 chuyến tàu”, ông Dũng cho hay.
Ngoài ra, mức chi phí của tàu lai dắt ở khu vực này khá cao, thậm chí gấp 10 lần so với Dung Quất, cũng được các đầu mối kinh doanh xăng dầu cho là cần xem xét lại bởi cuối cùng đều được dồn lên vai người tiêu dùng thông qua giá bán.
Như vậy, bên cạnh những tồn tại trong vấn đề tiêu chuẩn cho xăng dầu do NSRP sản xuất ra để tiêu thụ tại Việt Nam hay xử lý tài chính với trách nhiệm bao tiêu sản phẩm đang được xem xét, dự án có vốn đầu tư gần 10 tỷ USD này cũng đang phải guồng chân để việc vận hành thương mại Nhà máy được hanh thông lâu dài.