Công ty cổ phần Nam Việt là một trong những “ông lớn” của ngành xăng dầu
Không chịu mất 26,2 tỷ đồng
Sự việc bắt đầu từ năm 2011 - 2012, khi Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Nam Việt (Công ty Nam Việt) đã nhập khẩu 4 lô hàng gồm xăng A92, A95, dầu DO, dầu diesel theo hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Khi tạm nhập các lô hàng này, doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục khai hải quan, tính thuế. Sau đó, Nam Việt đã kê khai thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa, từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa và đã đóng thuế dựa trên tờ khai nhập khẩu đã đăng ký khi làm thủ tục tạm nhập và chuyển tiêu thụ nội địa, thanh khoản tờ khai với cơ quan hải quan có thẩm quyền.
Vào ngày 13/5/2013, Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã ban hành Quyết định số 67/QĐ-STQ/AĐT-D9STQ1, ấn định tiền thuế các loại với 4 lô hàng nhập khẩu nói trên.
Theo đó, tiền thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt của lượng hàng tiêu thụ nội địa của các lô hàng đó phải được tính tại thời điểm làm thủ tục chuyển sang tiêu thụ nội địa, chứ không phải là tại thời điểm đã làm thủ tục tạm nhập khẩu. Vì vậy, Công ty Nam Việt phải nộp bổ sung 26,244 tỷ đồng tiền thuế.
Không đồng ý với quyết định trên, sau nhiều lần khiếu nại nhưng kết quả không thay đổi, vào ngày 1/4/2014, Công ty Nam Việt đã khởi kiện đến Tòa án nhân dân TP.HCM đề nghị hủy Quyết định số 67/QĐ-STQ/AĐT-D9STQ1.
Công ty Nam Việt cho rằng, căn cứ theo khoản 3, Điều 37, Thông tư 194/2010/TT-BTC, “khi làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa thì không phải mở lại tờ khai hải quan nhập khẩu mới”, tức là không phải tính lại thuế tại thời điểm làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, mà chỉ tính và nộp thuế cho lượng hàng tiêu thụ nội địa tương ứng với số thuế đã tính khi làm thủ tục nhập khẩu ở thời điểm tạm nhập. Tuy nhiên, cơ quan hải quan lại xác định, thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển tiêu thụ nội địa, nên dẫn tới số thuế chênh lệch mà doanh nghiệp phải nộp thêm.
Ngoài ra, căn cứ để cơ quan hải quan ra Quyết định số 67/QĐ-STQ/AĐT-D9STQ1 là dựa trên Công văn số 17060/BTC-VP (tháng 12/2012) của Bộ Tài chính về việc “xác định thời điểm tính thuế với xăng dầu đã tạm nhập, nhưng không tái xuất hoặc tái xuất không hết, được chuyển tiêu thụ nội địa”. Doanh nghiệp cũng cho rằng, việc xác định lại thời điểm tính thuế là trái với quy định Luật Hải quan và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Tòa án cũng đã xem xét hàng loạt quy định, văn bản hướng dẫn liên quan đến thời điểm tính thuế, gồm Luật Hải quan, Nghị định 154/2005/NĐ-CP, Thông tư 194/2010/TT-BTC, Thông tư 126/2011/TT-BTC và nhận thấy, trong trường hợp này, việc tính thuế được xác định tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
Trước đó, ngày 16/8/2013, tại Văn bản 2823/HQHCM-TXNK, Cục Hải quan TP.HCM cũng có quan điểm tương tự, có nghĩa là, việc tính thuế với Công ty Nam Việt được xác định tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
Ngoài ra, Tòa án cũng xem xét văn bản 170/KtrVB ngày 16/7/2013 của Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) gửi Bộ Tài chính khi đề nghị hủy bỏ Công văn số 17060/BTC-VB vì trái với quy định của Thông tư 194/2010/TT-BTC.
Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn và Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cần Thơ cũng đã từng ban hành các quyết định về việc phạt chậm nộp thuế với 4 lô hàng trên.
Sau khi xem xét, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên: “Chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Nam Việt về việc yêu cầu hủy Quyết định số 67/QĐ-STQ/AĐT-D9STQ1 do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan ban hành…”.
Hiệu ứng… ăn theo
Việc Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên như trên không chỉ liên quan đến Công ty Nam Việt. Bởi lẽ, câu chuyện truy thu thuế với xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa trở nên ồn ào từ giữa năm 2013, khi các ông lớn xăng dầu gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco) và Công ty Nam Việt nhận được quyết định truy thu thuế nhập khẩu với số tiền lên tới trên 300 tỷ đồng.
Trước đây, theo công bố của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2009 đến 31/6/2012, các doanh nghiệp đầu mối đã tạm nhập 9,992 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá 7,397 tỷ USD, nhưng lượng tái xuất chỉ đạt 80,1% (tương đương 8,008 triệu tấn). Như vậy, lượng xăng dầu tạm nhập mà chưa tái xuất còn lại trong giai đoạn trên là 1,984 triệu tấn, với trị giá 1,391 tỷ USD.
Bởi vậy, việc rà soát lại toàn bộ các lô hàng tạm nhập tái xuất, trong đó có cả mặt hàng xăng dầu từ năm 2009 đến tháng 6/2012 được ngành tài chính xem là một trọng tâm, để không gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Việc truy thu thuế xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa cũng dừng lại trong năm 2012 mà không tính cho giai đoạn 2009-2011.
Trước khi ra các quyết định truy thu, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và được yêu cầu “hướng dẫn thực hiện đúng quy định pháp luật thuế, pháp luật hải quan hiện hành và kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, tránh hồi tố trách nhiệm pháp lý nặng hơn với doanh nghiệp”.
Việc truy thu này cũng tạo ra tranh luận giữa các cơ quan hữu trách, khi Bộ Tư pháp có Văn bản 170/KTrVB cho rằng, không thể dùng công văn hành chính cá biệt như Văn bản 17060/TB-BTC để “bẻ ghi”, thay thế cơ chế đã được xác lập tại Thông tư 194/2010/TT-BTC. Nếu Bộ Tài chính thấy cần xác lập quy chuẩn mới về vấn đề liên quan thì phải ban hành thông tư mới thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thông tư hiện hành làm cơ sở cho các bên thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không đồng ý quan điểm này và cho biết, e ngại rằng, khi thực hiện Thông tư 194/2010/TT-BTC về thủ tục hải quan với trường hợp thay đổi loại hình nhập khẩu và áp dụng tính thuế với mặt hàng xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa có thể dẫn đến cách hiểu khác, nên Bộ Tài chính đã ra Văn bản số 17060/TB-BTC.
“Đây là văn bản hành chính để đôn đốc công tác tổ chức thực hiện về khai và đăng ký tờ khai, thu, nộp thuế thống nhất trong toàn lực lượng hải quan, đảm bảo việc thực thi đúng quy định pháp luật, thu đủ thuế đối với hàng nhập khẩu tiêu thụ nội địa. Việc làm này thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính theo khoản 2, Điều 10, Luật Quản lý thuế về chỉ đạo thực hiện quản lý thuế, chứ không phát sinh quy phạm pháp luật mới”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định.
Thậm chí, Kiểm toán Nhà nước khi kết thúc kiểm toán chuyên đề quản lý hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập năm 2012 của Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát các tờ khai xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012, xử lý quyết định truy thu thuế bổ sung theo kết quả kiểm toán xác định với số tiền lên tới 469,664 tỷ đồng.
Tất nhiên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng không chấp nhận và tới tận giữa năm 2014 vẫn có văn bản kiến nghị các cơ quan hữu trách về việc truy thu thuế này. Bởi vậy, việc Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên hủy bỏ Quyết định truy thu thuế của cơ quan hải quan với Công ty Nam Việt mới đây hứa hẹn khởi động những tranh luận “chưa biết bao giờ mới chấm dứt” không chỉ về số tiền 26,244 tỷ đồng của riêng Công ty Nam Việt, mà còn liên quan đến hơn 400 tỷ đồng thuế tương tự của các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác có liên quan.