Nhiều nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước muốn trở thành đối tác chiến lược BSR
Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, BSR có vốn điều lệ 31.000 tỷ đồng. BSR sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 242 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,79% vốn, với giá khởi điểm 14.600 đồng/cp. Dự kiến, BSR sẽ thu về tối thiểu 3.530 tỷ đồng từ đợt IPO.
Sau IPO, BSR sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 1.519 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn. Tổng giá trị theo mệnh giá 15.192 tỷ đồng, tương đương với giá trị thu về tính theo giá khởi điểm dự kiến là khoảng 22.181 tỷ đồng. Và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ nắm giữ 1.333 triệu cổ phiếu, tương ứng 43% vốn điều lệ.
Toàn cảnh buổi roadshow
Ông Nguyên cho biết, BSR đã nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược. Trong đó, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%) gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).
Tháng 11 vừa qua, BSR cũng tiếp Tập đoàn năng lượng Repsol (Tây Ban Nha) và đơn vị này có mong muốn không chỉ dừng ở sở hữu cổ phần mà còn tham gia sâu vào công tác quản trị, hoạt động… của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tìm hiểu cơ hội và mong muốn hợp tác đầu tư mua cổ phần của BSR còn có Tập đoàn PetroleumBrunei, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina), SRC (Singapore), các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), công ty dầu khí lớn nhất của Thái và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait.
Ngoài ra, Tập đoàn Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR.
Hiện nay, lượng xăng dầu mà Petrolimex nhập mua từ BSR hàng năm xấp xỉ khoảng 3 triệu m2, chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng nhập mua của Petrolimex, ngược lại sản lượng mà BSR bán cho Petrolimex chiếm khoảng 40-45% tổng sản lượng xuất bán của Bình Sơn, với kim ngạch hàng năm lên đến xấp xỉ 3,5 tỷ USD.
Theo ông Nguyên, để thực hiện ước mơ phát triển lĩnh vực lọc, hóa dầu tại Việt Nam, Công ty đã xây dựng nhiều tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược, trong đó các điểm chính là phải cùng ngành nghề hoạt động kinh doanh; yêu cầu cao về năng lực tài chính với vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất so với thời điểm chào bán tối thiểu từ 10.000 tỷ đồng trở lên nhằm có thể hỗ trợ nguồn vốn cho BSR trong việc nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Bình Sơn.
Nâng cấp, mở rộng nhà máy Lọc Dầu Dung Duất, động lực tăng trưởng dài hạn BSR
Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo BSR, nhiệm vụ trước tiên của Công ty là tối ưu hóa nhà máy, phát triển thị trường thông qua việc nâng công suất, định hướng hóa dầu – vì giá luôn ổn định ở mức cao, trong khi giá sản phẩm lọc dầu lại có mức biến động lớn – từ đó mang lại hiệu quả cao.
Đơn cử, hiện nay, sản phẩm hóa dầu của BSR dù sản lượng chỉ mới khoảng 2-3% nhưng lợi nhuận gộp mang về trong năm 2017 hơn cả ngàn tỷ đồng.
Trong bối cảnh sản lượng dầu thu của Việt Nam ngày càng sụt giảm buộc Công ty phải ngồi tính toán chiến lược trong dài hạn một cách cẩn thận. Việc mở rộng nhà máy nằm trong chiến lược đó, bởi thông qua việc mở rộng, công ty có thể phát triển 200-300 loại dầu thô, thay cho 67 loại như hiện nay.
Hiện nay, công suất của nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Công ty đang thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1,8 tỷ USD. Cơ cấu vốn (vốn chủ sở hữu/vốn vay) được áp dụng là 30/70.
Đại diện BSR cho biết, công ty cũng mở gói thầu tư vấn tài chính và đã nhận được các hồ sơ của các ngân hàng nước ngoài. Công ty đang tiến hành xem xét, lựa chọn để tìm kiếm được nhà tư vấn tốt nhất, hỗ trợ BSR trong việc tư vấn cấu trúc vốn và phương án vay vốn tối ưu.
Dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2021 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2022. Sau khi hoàn thành, công suất chế biến dầu thô của Nhà máy sẽ tăng lên 8,5 triệu tấn/năm và chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn EURO V. Theo ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BSC cho biết, đây là tiêu chuẩn chất lượng cao và dự kiến sẽ áp dụng từ sau năm 2022.
Với việc đạt tiêu chuẩn này sẽ mang lại lợi thế cho BSR vì sẽ có được giá bán cao hơn với từng sản phẩm tương ứng; đồng thời BSR sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các dòng xe ô tô, mô tô theo quyết định 49/2011/QD-TTg. Ngoài ra, sau khi nâng cấp, mở rộng, BSR sẽ đa dạng được nguồn cung từ 67 đến 300 loại dầu thô.
Được biết, đến hết tháng 11, diện tích 108,2 ha của Dự án về cơ bản đã có thể tiến hành thi công san lấp. Đồng thời, Công ty cũng triển khai song song công tác thiết kế tổng thể, lựa chọn công nghệ và nhà thầu EPC.
Quý IV, kết quả sẽ đột biến so với cùng kỳ
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về triển vọng kết quả kinh doanh quý IV/2017, đại diện BSR cho hay, sẽ tốt và đột biến hơn năm 2016. Đây là thành quả tích lũy của kinh nghiệm 7 năm vận hành, quản trị, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với bạn hàng…là sự trưởng thành từ công tác quản trị của công ty khi đưa ra các giải pháp phòng vệ trước các biến động về giá dầu thô.
Kết quả kinh doanh quý IV/2017 của BSR sẽ tốt và đột biến hơn năm 2016
Nhớ lại năm 2014, kết quả kinh doanh BSR sụt giảm, nguyên nhân chính là do giá dầu cuối năm giảm từ trên 100 USD/thùng xuống còn 40 USD/thùng đã buộc Công ty phải trích lập giảm giá hàng tồn kho.
Với sự “mong manh” trước biến động giá, Ban lãnh đạo BSR đã nhanh chóng xây dựng nhiều giải pháp. Cụ thể là xây dựng hệ thống định mức tối thiểu vận hành an toàn để dự trữ dầu thô và các sản phẩm ở mức an toàn nhất; xin cấp thẩm quyền đưa lượng dầu thô luôn tồn tại trong hệ thống nhà máy chuyển vào tài sản cố định và khấu hao, giảm thiểu sự ảnh hưởng phập phù từ diễn biến giá thị trường; sử dụng công cụ hedging an toàn cho công ty trong việc mua dầu thô từ nước ngoài.
Thành tựu lớn trong năm 2017 là áp dụng được các giải pháp phòng vệ trên.