Dầu ế
Theo PVN, nếu thuế nhập khẩu xăng dầu hiện hành không điều chỉnh giảm, nguy cơ khách bỏ hàng hoặc đẩy lùi lịch lấy hàng sang năm 2016 là rất có thể.
Cụ thể, nếu cuối tháng 12/2015, khách hàng không lấy hàng theo lịch và đẩy lùi sang tháng sau thì lượng hàng tồn kho dự kiến là 190.000 m3, trong khi đó sức chứa tối đa của NMLD chỉ là 150.000 m3 cho dầu diesel (DO).
Trong tháng 12/2015, dự kiến NMLD sẽ sản xuất khoảng 620.000 – 630.000 m3 xăng dầu. Với khối lượng khách hàng cam kết tiêu thụ hàng tháng khoảng 520.000 m2 thì còn dư một lượng hàng khoảng 100.000 – 110.000 m3 xăng dầu để bán bổ sung (spot), trong đó riêng dầu DO là khoảng 60.000 – 70.000 m3 tuỳ vào chế độ vận hành.
Tuy nhiên, PVN và Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất, cũng đang rất e ngại việc khách hàng từ chối hoặc hạn chế mua hàng spot với dầu DO trong tháng 12/2015 do chênh lệch thuế nhập khẩu của dầu DO Dung Quất so với hàng nhập khẩu có xuất xứ form D tăng lên mức 10% kể từ đầu năm 2016.
Có thực tế này là do từ năm 2016, thuế nhập khẩu dầu DO và Jet A1 theo cam kết trong ASEAN sẽ về 0% so với mức 5% áp dụng cho năm 2015. Như vậy, so với biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng và chưa có sự thay đổi nào, mức chênh lệch khi nhập khẩu xăng dầu có xuất xứ ASEAN theo Thông tư 164/2014/TT-BTC sẽ tăng từ 5% trong năm 2015, lên mức 10% trong năm 2016.
Nếu tính với giá xăng dầu bình quân trong kỳ từ 1/9/2015 đến 17/9/2015 thì mức chênh lệch 5% này tương đương với 2,99 USD/thùng. Nếu giá xăng dầu không thay đổi thì với mức chênh lệch 10% này, giá chênh lệch sẽ lên tới 5,98 USD/thùng.
Đáng chú ý là, DO cũng là sản phẩm chính của NMLD Dung Quất với sản lượng cỡ 3,3 triệu tấn/năm, chiếm gần 50% tổng lượng sản phẩm toàn nhà máy. Còn mặt hàng Jet A1 là sản phẩm đáp ứng không nhỏ cho nhu cầu nhiên liệu bay của cả nước.
Tình trạng lo ế hàng của NMLD Dung Quất đã tái diễn nhiều lần trong năm 2015 với nhiều công văn kiến nghị của PVN và của NMLD Dung Quất. Nguyên do vẫn là các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ưu tiên nhập khẩu để hưởng lợi về thuế. Tuy nhiên, tới giữa tháng 8/2015, nhiều khách hàng lại tăng lượng chào mua spot nên tiêu thụ DO của NMLD Dung Quất có phần thuận lợi hơn.
PVN cũng thừa nhận về tổng thể, NMLD Dung Quất có lợi thế về tỷ giá thanh toán, nhận hàng nhanh chóng, nộp thuế sau. Với thực tế này, PVN cũng cho biết đã chốt bán hàng spot cho các khách hàng nên tồn kho sản phẩm của nhà máy xuống thấp trong cuối tháng 9 và sẽ tiếp diễn cho tới tháng 11/2015.
Trong một diễn biến khác, Tổng cục Thuế vừa yêu cầu Cục thuế các địa phương tăng cường rà soát, có biện pháp, kế hoạch kiểm tra chặt chẽ chi phí, thu nhập chịu thuế TNDN với 22 đầu mối kinh doanh xăng dầu để thu thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh đúng quy định.
Lý do khiến ngành thuế phải đặc biệt quan tâm tới thu nhập của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu là bởi, không ít lô hàng xăng dầu nhập khẩu về từ ASEAN, được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo thuế suất ATIGA, trong khi, Nhà nước lại đang điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường trong nước theo mức thuế suất thuế ưu đãi. Do vậy đã phát sinh khoản chênh lệch hình thành tại các doanh nghiệp đầu mối.
Theo thống kê hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại từ đầu năm tới ngày 15/10/2015 là 7,566 triệu tấn với kim ngạch 4,2 tỷ USD; trong đó nhập khẩu dầu DO chiếm tỷ trọng lớn nhất với 3,845 triệu tấn với kim ngạch 2,124 tỷ USD.
Cùng kỳ năm 2014, nhập khẩu xăng dầu của cả nước là 7,09 triệu tấn, trong đó dầu DO là 3,481 triệu tấn.
Hạt nhựa PP cũng ế
Không chỉ lo khó khăn trong tiêu thụ dầu DO do chênh lệch giữa các biểu thuế tăng cao, BSR còn đang lo lắng cho sản phẩm Polypropylen (PP) được sản xuất ra.
Theo giải trình của PVN, sau khi Thông tư 107/2013/TT-BTC quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng hạt nhựa PP, benzen, P-Xylen, sản phẩm PP của BSR gặp phải cạnh tranh khốc liệt của hàng ngoại nhập có ưu đãi thuế. Năm 2015, sản phẩm PP nhập khẩu có chứng nhận xuất xứ ford D/E với thuế nhập khẩu 0% từ các nước ASEAN và Trung Quốc vào Việt Nam với giá thấp, thời gian thanh toán dài đã tạo ra sức ép lớn tới thị trường nội địa.
Hiện tại, chênh lệch thuế nhập khẩu của hàng PP của BSR so với hàng ngoại nhập có ưu đãi thuế là 2%, tương đương 21 USD/tấn. Cộng thêm tác động của việc giá nhựa trên thị trường thế giới giảm liên tục từ tháng 5/2015 tới nay đã khiến các khách hàng tiêu thụ PP nội trì hoãn nhận hàng, đẩy tồn kho sản phẩm có lúc lên tới 80% vào tháng 8/2015.
“Các khách hàng tiêu thụ PP của BSR đều có công văn đề nghị PVN/BSR có biện pháp hỗ trợ kịp thời để tiêu thụ sản phẩm. Vì thế BSR đã phải áp dụng chiết khấu thương mại 2%, giãn thời gian thanh toán thêm 45 ngày so với hợp đồng hiện nay để hỗ trợ khách hàng tiêu thụ PP từ tháng 9/2015 đến hết năm”, ông Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc PVN nhận xét.