Lo ế hàng triệu tấn diesel
Sự lúng túng này đến từ việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần phải có thời gian mới sản xuất được dầu diesel mức 4 (tương đương Euro 4), chứ không thể cung cấp ngay cho thị trường từ ngày 1/1/2018.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được phê duyệt đầu tư ban đầu vào năm 1997 và phê duyệt điều chỉnh lại vào năm 2005. Tại thời điểm phê duyệt thiết kế để triển khai xây dựng, các chỉ tiêu chất lượng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đều đạt và vượt so với quy định hiện hành.
Cụ thể, đối với xăng là chỉ số RON 92, 95, hàm lượng lưu huỳnh 500 ppm; đối với dầu diesel là hàm lượng lưu huỳnh 500 ppm. Nhà máy cũng đã có sản phẩm đầu tiên vào tháng 2/2009 và được bàn giao thương mại vào tháng 5/2010 với chất lượng sản phẩm tuân thủ theo quy định về chất lượng sản phẩm của Việt Nam.
Vào tháng 9/2011, khi Quyết định 49/2011/QĐ-TTg ban hành với yêu cầu cung cấp các sản phẩm nhiên liệu mức 4 cho thị trường vào tháng 1/2017, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng đã có những mục tiêu nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động. Dĩ nhiên, khi tiến hành nâng cấp, chất lượng sản phẩm cũng sẽ được nâng lên đáng kể.
Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với việc mở rộng nhà máy lên 8,5 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, tới nay vẫn chưa thực hiện xong. Đến nay, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới thực hiện xong các bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án đầu tư, mua bản quyền công nghệ thiết kế cơ sở và triển khai hợp đồng FEED, sơ tuyển các nhà thầu EPC, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị hồ sơ mời thầu EPC. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Tuy vậy, theo báo cáo của Petrovietnam (PVN), cho tới khi hoàn thành đầu tư nâng cấp, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ có thể sản xuất cung cấp xăng và diesel đáp ứng chỉ tiêu chất lượng mức 2 (theo QCVN1:2015/BKHCN). Với năng lực sản xuất 2,48 triệu tấn xăng và 2,33 triệu tấn diesel/năm, sản lượng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đủ để đáp ứng một phần nhu cầu của xe ô tô, xe máy hiện có trên thị trường.
Tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), câu chuyện cũng có những nét tương đồng.
Dự án đầu tư của NSRP được phê duyệt vào tháng 4/2008, thiết kế tổng thể FEED được phê duyệt vào tháng 12/2009, công tác đấu thầu được thực hiện vào tháng 3/2011. Như vậy, tất cả các mốc quan trọng để triển khai xây dựng dự án đều được thực hiện trước thời điểm Quyết định 49/2011/QĐ-TTg ban hành.
Cả Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ có một khối lượng không nhỏ dầu diesel không đạt mức 4 theo yêu cầu
Khi triển khai xây dựng, các tiêu chuẩn chất lượng của Dự án theo thiết kế FEED đều đạt hoặc vượt so với quy định hiện hành tại thời điểm đó.
Cụ thể, xăng có Ron 92, 95, hàm lượng lưu huỳnh nhỏ hơn mức 50ppm; mặt hàng diesel có hàm lượng lưu huỳnh 50 ppm với dieslel cao cấp và 350 ppm với diesel thông dụng.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, theo kế hoạch, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ sản xuất 1,47 triệu tấn diesel thông thường và 2,2 triệu tấn diesel cao cấp/năm.
Hiện NSRP đã hoàn thành phần cơ khí, chuẩn bị chạy thử, có sản phẩm trong năm 2017, nên sẽ không có khả năng thực hiện được bất cứ thay đổi nào so với kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt.
Với các thực tế trên, cả Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ có một khối lượng không nhỏ dầu diesel không đạt mức 4 theo yêu cầu để lưu thông trên thị trường từ ngày 1/1/2018 như yêu cầu của Chính phủ mới đây.
Lúng túng
Hồi tháng 5/2015, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có văn bản gửi Bộ Công thương khẳng định tiêu chuẩn thiết kế về chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mức 4 và mức 5, như quy định trong Quyết định 49/2011/QĐ-TTg.
Báo cáo của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi đó cũng cho rằng, tiêu chuẩn khi thiết kế dự án đã không đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm nêu trên. Việc bổ sung đầu tư các phân xưởng xử lý để đáp ứng lộ trình khí thải chỉ có thể xem xét thực hiện sau năm 2021 do các cam kết về tiến độ của các hợp đồng vay vốn cho dự án. Do đó, NSRP đã đề nghị nới lỏng tiêu chuẩn sản phẩm.
Trong kiến nghị của mình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề xuất Chính phủ dựa trên xem xét, đánh giá tác động cụ thể về ảnh hưởng môi trường, kinh tế, xã hội, các cam kết mà Việt nam đã tham gia, các yếu tố liên quan đến sản xuất, nhập khẩu động cơ xe cơ giới… để cân nhắc, chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp thực hiện lộ trình, quản lý sản xuất và thị trường tiêu thụ nhiên liệu xăng dầu, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng bộ với tiến độ đầu tư, hoàn thiện công nghệ, kỹ thuật của sản xuất.
Cần nói thêm, tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 9/12/2016 của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ, ô tô du lịch, xe bus gắn động cơ diesel sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1/1/2018; còn ô tô tải gắn động cơ diese sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 vào năm 2022. Khi đó, nhiều ý kiến đã cho rằng, việc phải lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 được cho là xuất phát từ nguồn cung cấp nhiên liệu tại Việt Nam là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn không đáp ứng được thực tế.
Dẫu vậy, với Văn bản số 436 TTg-CN (ngày 28/3/2017), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu “Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có kế hoạch cung ứng, phân phối xăng dầu mức 4, 5 trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô theo quy định của Quyết định 49/2011/QĐ-TTg, trong quý IV/2017 hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng và thương mại cần thiết để bảo đảm cung ứng dầu diesel mức 4 ra thị trường muộn nhất là ngày 1/1/2018”, thì nguy cơ ế dầu diesel của hai nhà máy lọc dầu của Việt Nam tại thị trường nội địa có thể xảy ra.