Góc nhìn định giá P/B
Sự sôi động của thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng qua chủ yếu đến từ dòng tiền đầu cơ, chảy mạnh vào nhóm vốn hóa nhỏ và vừa, mức độ lan toả tới nhóm vốn hoá lớn rất thấp. Bởi lẽ, thị trường thiếu sự hậu thuẫn của nền tảng vĩ mô và dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài, trong khi dòng tiền lớn nhìn chung vẫn đứng ngoài quan sát, chờ đợi tín hiệu thẩm thấu của các chính sách tới nền kinh tế, tới doanh nghiệp.
Xu hướng trung hạn của thị trường được nhìn nhận vẫn là tích lũy, trong bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay rất lớn, kết quả kinh doanh quý II/2023 của nhiều doanh nghiệp chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét…
Gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến khả quan, một số mã tăng giá tích cực, nhưng ít có khả năng tạo sóng.
Xét yếu tố định giá P/B, nhóm cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn chưa thực sự hấp dẫn. Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest tính toán, định giá P/B cổ phiếu ngân hàng gần đây dao động phổ biến trong khoảng 0,9 - 1,3 lần. Những năm trước, định giá P/B ngành này quanh mức 1,5 lần, thậm chí lên vùng 1,8 - 2 lần vào 2 năm trước. Mặc dù vậy, ông Khánh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cổ phiếu ngân đang được giao dịch ở vùng không đắt, không rẻ.
Sau nhịp tăng giá cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, P/B bình quân của cổ phiếu ngân hàng đang ở mức 1,2 lần, thấp hơn so nhiều với mức đỉnh hơn 3 lần năm 2018. Thời điểm ngành ngân hàng đạt đỉnh cuối năm 2021, định giá P/B ở mức trên 2 lần độ lệch chuẩn so với mức trung vị, còn hiện tại thấp hơn 1 lần độ lệch chuẩn so với mức trung vị. Theo đó, ông Trần Văn Tánh, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, định giá ngành ngân hàng đang ở mức hấp dẫn về dài hạn.
“Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì mức định giá cổ phiếu ngân hàng không quá hấp dẫn, chỉ là hấp dẫn hơn so với lịch sử ngành ngân hàng”, ông Tánh nhấn mạnh.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng niêm yết/đăng ký giao dịch cho thấy, tỷ lệ hình thành nợ xấu nhìn chung cao hơn dự kiến, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, thu nhập ngoài lãi chậm lại…, khiến tổng lợi nhuận sau thuế giảm 2,3% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, chất lượng tài sản xấu đi, nợ nhóm 2, 3, 4 tăng mạnh. Tổng nợ xấu các ngân hàng tính đến cuối quý I/2023 tăng 20,6%; nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt tăng 24% và 44% so với đầu năm 2023; tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt là 1,76% và 2,54%.
“Nên chọn cổ phiếu của ngân hàng ít rủi ro, ít liên quan đến trái phiếu, bất động sản và có câu chuyện để đầu tư ngắn hạn giai đoạn này. Bức tranh chung của ngành ngân hàng chưa khả quan”, nhà đầu tư Đức Thành nói.
Trong khi đó, nhà đầu tư Quốc Đạt chia sẻ: “Tôi nói không với cổ phiếu ngân hàng, không có tiền vào thị trường đâu mà kéo sóng ngân hàng”.
Dòng tiền ngắn hạn chọn câu chuyện riêng
Trong các cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng giá vừa qua, đa số đều có thông tin hỗ trợ như chi trả cổ tức, tái ký hợp đồng hợp tác bảo hiểm, kỳ vọng bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại…
“Tôi mua cổ phiếu VIB vì kỳ vọng vào thông tin Ngân hàng sẽ ký hợp đồng hợp tác bảo hiểm trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Trong 1 tháng qua, tôi ghi nhận lãi khoảng 10% từ cổ phiếu VIB”, nhà đầu tư Trung Hưng cho biết.
Về cổ phiếu VIB, ông Vũ Duy Khánh cho rằng, kỳ vọng của nhà đầu tư dựa trên 2 yếu tố chính, đó là ký được hợp đồng hợp tác bảo hiểm và chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Tuy nhiên, VIB được một số công ty chứng khoán lưu ý về chất lượng tài sản, bởi đây là ngân hàng bán lẻ, tập trung cho vay mua nhà và ô tô, với tỷ trọng lần lượt 50% và 40% trong cơ cấu cho vay. Tính đến cuối quý I/2023, dư nợ cho vay của VIB giảm 1,2% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,8% lên 2,6%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm từ 54% xuống 38%.
Dòng tiền lớn nhìn chung vẫn đứng ngoài quan sát, chờ đợi tín hiệu thẩm thấu từ các chính sách hỗ trợ tới nền kinh tế, tới doanh nghiệp.
Với VCB, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ bán 6,5% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài với giá cao, giúp giá cổ phiếu tăng lên ngưỡng cao mới là 100.000 đồng/cổ phiếu.
Một số nhà đầu tư kỳ cựu chia sẻ, VCB là cổ phiếu mạnh, nhưng nên canh mua khi giá điều chỉnh, nếu có tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), mua đuổi thì dù có câu chuyện hỗ trợ vẫn có thể đối diện với rủi ro thua lỗ trong ngắn hạn.
Cổ phiếu STB có câu chuyện riêng là khả năng hoàn thành tái cơ cấu trong năm nay và bán đấu giá 32,5% cổ phần (đang được VAMC quản lý) cho đối tác nước ngoài.
Cổ phiếu VPB có triển vọng khả quan nhờ thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit, dự kiến cuối tháng 7 tới sẽ nhận đủ gần 36.000 tỷ đồng từ SMBC, nhưng quan ngại về điều kiện vĩ mô và hoạt động tài chính tiêu dùng vẫn khó khăn, tỷ lệ cho vay bất động sản cao, nợ xấu tăng, khiến diễn biến giá duy trì xu hướng đi ngang.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia phân tích, vì định giá ngắn hạn của nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa hấp dẫn, nên dòng tiền chỉ ưu tiên chảy vào những cổ phiếu có câu chuyện riêng, có thông tin tăng trưởng lợi nhuận… Sắp tới, diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ còn phụ thuộc vào yếu tố chất lượng tài sản và tình hình tăng trưởng tín dụng.
Trong cách chọn cổ phiếu đầu tư dài hạn, chuyên gia Công ty Chứng khoán Yuanta tập trung vào các ngân hàng hoạt động tốt, hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thấp.
Với những tiêu chí đó, cổ phiếu đáng quan tâm là ACB, VCB, nhưng giá đã tăng khá mạnh nên cần quan sát thêm. Một số cổ phiếu trước đó bị tác động bởi trái phiếu bất động sản như MBB, TCB cũng đáng quan tâm, bởi nằm trong nhóm ngân hàng tốp đầu.
Còn theo quan điểm của ông Vũ Duy Khánh, tiêu chí quan trọng nhất là lợi nhuận và định giá, tập trung vào ngân hàng có triển vọng ghi nhận lợi nhuận đột biến như ngân hàng tái cơ cấu thành công, đón được sóng hạ lãi suất giúp cải thiện NIM, hoặc có nhiều dư địa tăng trưởng, rủi ro thấp, nguồn huy động dồi dào, quản trị tốt.