Lọc cổ phiếu trên xu hướng chính sách 2021

Lọc cổ phiếu trên xu hướng chính sách 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp hỗ trợ tăng trưởng, thị trường chứng khoán do vậy có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt.

Sau một quá trình cơ cấu, các công ty chứng khoán cũng ghi nhận bước trưởng thành mới.

Quy mô vốn của các công ty chứng khoán tăng mạnh, cùng với việc đa dạng huy động vốn từ các nguồn khác nhau như phát hành trái phiếu, vay tín chấp từ ngân hàng nước ngoài, … khiến cho nguồn cung cấp margin không phụ thuộc quá nhiều vào hạn mức của các ngân hàng. Hoạt động cung cấp margin nhờ vậy được đẩy mạnh và không gián đoạn, hỗ trợ đáng kể xu hướng tăng điểm và ổn định của thị trường.

Chúng tôi cho rằng thị trường đang có sự thay đổi đáng kể về lượng trong năm 2020 và hướng tới sự thay đổi về chất giai đoạn 2021 - 2025.

Quá trình ban hành các quy định hướng dẫn sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực cùng với nâng cấp hệ thống giao dịch của các Sở giao dịch và Trung tâm Lưu ký sẽ chuyển động đáng chú ý nhất trong năm 2021.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để TTCK Việt Nam thực hiện sự thay đổi về chất với mục tiêu nâng hạng thị trường trong những năm tới.

Năm 2021, nhà đầu tư cần tiếp tục lưu ý về những ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Trong năm 2021, dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường ở mức 22% sau khi lập đáy trong năm 2020.

Về chính sách tiền tệ, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách để ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ kinh tế trước dịch bệnh. NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 1,5 - 2% trong năm 2020 và đồng thời tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục.

Lạm phát nhiều khả năng duy trì ổn định nửa đầu năm 2021, trước khi tăng dần với triển vọng hồi phục kinh tế. Lãi suất điều hành của NHNN do vậy duy trì ổn định trong năm 2021 trong bối cảnh NHTW các nước chủ chốt cam kết duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ đến cuối năm 2022. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán trong năm 2021.

Về chính sách tài khóa, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ là trọng tâm của chính sách tài khóa năm 2021.

Nối tiếp đà giải ngân đầu tư công mạnh mẽ trong năm 2020, Dự toán giải ngân vốn nhà nước dự kiến lần lượt đạt 477.300 tỷ đồng, 522.300 tỷ đồng, 540.600 tỷ đồng các năm 2021, 2022 và 2023. Đây là mức cao so với mức trung bình của chu kỳ 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

Điều này cho thấy định hướng của Chính phủ nhiều khả năng xác định 2021 - 2022 tiếp tục là giai đoạn hồi phục kinh tế, trước khi bứt phá vào các năm 2023 - 2025 như được thể hiện tại dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Cũng như xu hướng đầu tư của các nước khu vực và thế giới, hai định hướng xây dựng hạ tầng của Việt Nam sẽ tập trung gồm hạ tầng công trình giao thông và hạ tầng công nghệ kinh tế số.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, 10 năm 2021 - 2030 định hướng phát triển công trình giao thông làm hậu cần cốt lõi thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Trục giao thông Bắc – Nam qua các tỉnh ven biển khả năng được đẩy mạnh thi công trong những năm tới.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, 10 năm 2021 - 2030 cũng nhiều lần nhắc tới việc phát triển kinh tế số. Do vậy, trong 2021 và các năm tiếp theo, đầu tư hạ tầng kinh tế số khả năng cũng sẽ được đẩy mạnh.

Trong năm 2021, chúng tôi dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường ở mức 22% sau khi lập đáy trong năm 2020. Cùng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp hỗ trợ tăng trưởng, thị trường chứng khoán do vậy có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt.

Mặt bằng cổ phiếu chung do vậy có dư địa tăng giá tốt trong năm 2021, tuy nhiên nếu dựa trên xu hướng đầu tư của Chính phủ, chúng tôi đánh giá những ngành và cổ phiếu được hưởng lợi gồm ngành trực tiếp hưởng lợi nhờ đẩy mạnh giải ngân có thể kể tới vật liệu xây dựng (HPG, HSG, HT1, BMP, PLC); xây dựng (LCG, C4G); ngành gián tiếp hưởng lợi nhờ đẩy mạnh giải ngân như bất động sản công nghiệp (KBC, GVR, LCG, KSB) và bất động sản dân dụng (VHM, DXG, KDH, NLG); ngành trực tiếp hưởng lợi nhờ đẩy mạnh giải ngân có thể kể tới công nghệ thông tin (FPT, CMG) cũng như viễn thông (FOX, CTR) và ngành hậu cần gián tiếp hưởng lợi (VTP).

Tin bài liên quan