Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chuyển động lệch pha với thị trường Mỹ

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chuyển động lệch pha với thị trường Mỹ

Loay hoay chiến lược đầu tư tháng 11

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đã khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11 với việc chỉ số VN-Index lùi xuống dưới mốc 1.000 điểm.

Tâm lý mỏng manh

Phiên giao dịch cuối tuần qua một lần nữa cho thấy tâm lý rất mỏng manh của thị trường. Tất nhiên, không thể phủ nhận có những áp lực nhất định từ thị trường thế giới sau cuộc họp tháng 11 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ngày 2/11/2022, Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,75%/năm, đưa lãi suất cơ bản của USD lên mức 3,75 - 4%/năm và phát đi thông điệp sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Những diễn biến xung quanh thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến nhà đầu tư rất dễ hoang mang trước những thông tin đồn thổi. Tâm lý càng “căng cứng” hơn khi nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục nằm sàn, hiện tượng giải chấp của nhiều cổ đông lớn (chủ doanh nghiệp) diễn ra ở một số mã cổ phiếu. Nhiều công ty chứng khoán cũng có động thái cắt margin với những mã nằm trong vùng nghi vấn càng làm tâm lý nhà đầu tư thêm bi quan.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận xét, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có chuyển động lệch pha so với thị trường Mỹ. Tháng 10, chỉ số Dow Jones có tháng tăng mạnh nhất trong vòng 46 năm qua nhờ các dữ liệu vĩ mô củng cố khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế, còn đây lại là giai đoạn khá tồi tệ với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến diễn biến chung của thị trường chứng khoán trong thời gian qua và tiếp tục tác động trong 2 tháng cuối năm. Đặc biệt, khi lượng trái phiếu đáo hạn sẽ còn gia tăng, dồn vào các doanh nghiệp bất động sản trong tháng 12, không loại trừ khả năng yếu tố này sẽ còn tác động tiêu cực lên thị trường.

Dưới góc nhìn của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC, thị trường cổ phiếu hiện đang trong tình trạng cạn kiệt dòng tiền. “Như chúng ta đều biết, 3 kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế là cổ phiếu, trái phiếu và tín dụng ngân hàng. Hiện chỉ có cổ phiếu là gồng gánh thanh khoản khi hai kênh còn lại bị tắc ngắn hạn. Điều này khiến thị trường giảm sâu, tuy nhiên một khi không có rủi ro hệ thống, điều này cũng mở ra cơ hội trong ngắn hạn với những cú sell-off (bán tháo - PV). Khi vấn đề thanh khoản được giải quyết với 2 kênh còn lại dần được khơi thông (qua đầu năm mới có room tín dụng), cơ hội mua sell-off có thể sẽ qua đi”, ông Huy phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, “VN-Index bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiều cổ phiếu trụ thanh khoản thấp hoặc ít được nhà đầu tư cá nhân giao dịch các trụ này diễn biến kém trong thời gian gần đây khiến chỉ số kém, nên việc đóng dưới 1.000 điểm tuần này, với không phải là điều gì đó quá kinh khủng”.

Rủi ro điều chỉnh vẫn tiềm ẩn

Nhà đầu tư có tâm lý e ngại vẫn còn rủi ro phía trước nên không dám giải ngân. Chọn cổ phiếu nào làm nơi trú ẩn an toàn và có cơ hội sinh lời tốt là điều không đơn giản. Ngay trong giới chuyên gia phân tích cũng có quan điểm khác nhau về chiến lược giải ngân trong giai đoạn này.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng: “Trong bối cảnh còn nhiều biến số ảnh hưởng đến tỷ giá, lãi suất và thanh khoản trong nước và môi trường lãi suất cao thị trường chưa có động lực rõ ràng để tăng giá mạnh, việc lựa chọn cổ phiếu thời điểm này cũng rất quan trọng”.

Ông Khoa khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên các nhóm cổ phiếu: nhóm có giá đã điều chỉnh đủ hấp dẫn cho hoạt động dài hạn; nhóm vay nợ ít và nhóm có tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cao cho đầu tư ngắn và trung hạn. Ngoài ra, có thể lưu ý các cổ phiếu nguyên vật liệu, xuất khẩu, du lịch, được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại.

Còn theo ông Trần Đức Anh, bối cảnh thị trường hiện tại sẽ có 2 nhóm cổ phiếu tiềm năng với mức độ rủi ro khác nhau. Nhóm đầu tiên là nhóm cổ phiếu giảm giá sâu trong thời gian qua, trong khi số liệu kết quả kinh doanh quý III không quá tiêu cực và/hoặc có khả năng cải thiện trong các quý tiếp theo như ngân hàng, chứng khoán. Đây được kỳ vọng là nhóm cổ phiếu có sức bật tốt nếu thị trường quay lại xu hướng hồi phục nhờ mức định giá hấp dẫn sau giai đoạn điều chỉnh sâu. Dù vậy, rủi ro điều chỉnh ở nhóm này sẽ xuất hiện nếu thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp có diễn biến tiêu cực mới. Nhóm thứ 2 sẽ có tính an toàn và ổn định cao hơn là nhóm cổ phiếu báo cáo tăng trưởng cao trong quý III vừa qua và kỳ vọng duy trì tăng trưởng trong nhiều quý tiếp theo, bất chấp các biến động trên thị trường tài chính như ngành bán lẻ, công nghệ thông tin. Nhóm cổ phiếu này sẽ có tính an toàn cao hơn, lợi nhuận dài hạn được đảm bảo, nhưng dư địa tăng giá trong ngắn hạn là không lớn do không chịu áp lực điều chỉnh đáng kể từ đầu năm đến nay.

Trong môi trường lãi suất và tỷ giá tăng như hiện tại, ông Trần Đức Anh cho rằng, một số nhóm ngành được hưởng lợi các câu chuyện đầu tư như có lượng tiền ròng chiếm tỷ trọng cao trên tổng tài sản; có doanh thu và lợi nhuận phát sinh chủ yếu từ việc xuất siêu sang thị trường Mỹ như dệt may, gỗ hay thuỷ sản. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề có giá trị nhập siêu từ Mỹ lớn như hoá chất, nhựa, thức ăn chăn nuôi hay dược phẩm có thể ghi nhận giá vốn tăng khi tỷ giá USD/VND tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sử dụng lãi suất thả nổi khi vay nợ trong giai đoạn này cũng có thể gặp bất lợi.

“Chúng tôi vẫn kỳ vọng xu hướng hồi phục sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11 khi mà chỉ số VN-Index đã giảm xuống vùng P/E thấp lịch sử trong bối cảnh vĩ mô không quá tiêu cực. Dù rủi ro lạm phát, tỷ giá là hiện hữu nhưng xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế không có dấu hiệu chậm lại, số đông các doanh nghiệp niêm yết báo lãi quý III tăng trưởng cao so với cùng kỳ”, ông Đức Anh nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, định giá không phải là yếu tố để xác định đáy thị trường. “Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là giảm nên các nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục đứng ngoài thị trường. Nếu nhà đầu tư có tỷ lệ tiền mặt cao và có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp và chú ý vào nhóm cổ phiếu thực phẩm và đồ uống, công nghệ, bán lẻ, ngân hàng”, ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Huy khuyến nghị ngắn gọn: “Tốt nhất, chúng ta nên khoanh vùng các nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu có rủi ro thực sự và phần còn lại. Nhiều nhóm cổ phiếu rủi ro thấp, ít mang tính chu kỳ và có dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt đang ở mặt bằng giá có thể tham gia”.

Tin bài liên quan