“Ông lớn” liên tục rót vốn
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, Công ty BE Semiconductor Industries N.V đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất, dự kiến đưa Dự án vào hoạt động vào quý I/2025.
Đầu tháng 7/2024, Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) đến TP.HCM để khảo sát và trao đổi khả năng hợp tác các vấn đề đào tạo phát triển trí tuệ nhân tạo (AI); hỗ trợ phát triển start-up (doanh nghiệp AI); thành lập AI Center of Excellence. Một “ông lớn” công nghệ khác của Mỹ là Tập đoàn Marvell (doanh nghiệp chuyên thiết kế chip) cũng tăng tốc mở rộng các trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam.
Vào giữa tháng 5/2024, Marvell công bố mở thêm một trung tâm thiết kế chip tại Đà Nẵng và chuẩn bị mở thêm một trung tâm nữa tại TP.HCM sau khi đã đầu tư một trung tâm thiết kế tại đây. TS. Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cấp cao về kết nối quang đám mây của Marvell cho biết, các trung tâm thiết kế của Tập đoàn tại Việt Nam sẽ tập trung thiết kế các con chip công nghệ vi mạch mới, nhằm đáp ứng nhu cầu về hiệu suất, tốc độ ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu đám mây và AI.
Trong 7 tháng năm 2024, Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Mỹ) đầu tư vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1. Các dự án này gồm Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam và Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 83 triệu USD; Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 29 triệu USD; Dự án Engineered Ceramics vốn đầu tư 15 triệu USD.
Tập đoàn Tokyu (nhà đầu tư Nhật Bản đã rót 1,2 tỷ USD vào các dự án bất động sản tại Bình Dương) hồi tháng 4/2024 cũng công bố thành lập các tổ nghiên cứu, khảo sát để mở rộng đầu tư một số lĩnh vực mới như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn… tại Bình Dương.
Tháo gỡ khó khăn, đón đầu xu thế
Hiện Việt Nam xếp thứ 3 khu vực châu Á về xuất khẩu sản phẩm ngành bán dẫn sang thị trường Mỹ. Nhưng nhiều chuyên gia đầu ngành đánh giá, việc quy hoạch, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam chưa có sự phân bố đồng đều, hệ thống dây chuyền sản xuất chưa hoàn chỉnh. Việt Nam cần có các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển lĩnh vực này.
Theo đó, để đón nhận xu hướng dịch chuyển đầu tư và thu hút được ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, một trong những vấn đề rất quan trọng là chuẩn bị nguồn nhân lực. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại tọa đàm về công nghiệp bán dẫn mới đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình thông tin, trong mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn, FPT đảm nhận với Thủ tướng Chính phủ là đào tạo 10.000 nhân lực. Để thực hiện mục tiêu, FPT đã đầu tư vào hệ thống giáo dục từ bậc phổ thông đến cao đẳng và đại học, đồng thời hợp tác với các đối tác từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ để tìm mọi cách mở rộng cơ hội đào tạo ngành bán dẫn.
Trong mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học đã tham gia “cuộc đua” mở ngành, tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch như: Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Đại học Quốc tế Sài Gòn; Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ Thông tin; Đại học Cần Thơ…
Về phần mình, Bình Dương đã và đang triển khai Vùng Khoa học công nghệ tại Trung tâm thành phố mới Bình Dương; Trung tâm sản xuất tiên tiến - Trường Đại học quốc tế Miền Đông. Nơi đây sẽ có khu công nghệ thông tin tập trung, quy mô 220 ha, sẽ phát triển hệ thống khu công nghiệp khoa học - công nghệ, khu công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.