Không chỉ nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, thời gian qua, Dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Khu A) tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, Khánh Hòa của Công ty cổ phần khách sạn Bến Du Thuyền bị ngân hàng rao bán, để thu hồi nợ vay. Ảnh: Linh Đan
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo tình hình nợ BHXH tính đến hết tháng 12/2023. Theo đó, tính đến cuối tháng 12/2023, toàn tỉnh có 1.422 đơn vị (đã loại trừ 699 đơn vị không còn hoạt động nhưng còn số thiếu) nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) từ 1 tháng trở lên, với số tiền là 120.368 triệu đồng.
Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước nợ là 2 đơn vị, số tiền nợ 25.471 triệu đồng; khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ là 1.347 đơn vị, số tiền nợ 64.960 triệu đồng; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ là 22 đơn vị, số tiền nợ 1.935 triệu đồng; khối khác (đơn vị ngoài công lập, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, ...) là 51 đơn vị, số tiền nợ 898 triệu đồng. Đó là chưa kể, lãi chậm đóng tính đến hết tháng 12/2023 là 27.104 triệu đồng.
Theo đánh giá của BHXH tỉnh Khánh Hòa, số đơn vị trên địa bàn thành phố Nha Trang nợ từ 1 tháng trở lên chiếm tỷ trọng lớn so với tổng số đơn vị nợ và số nợ toàn tỉnh.
Tính đến cuối tháng 12/2023, có 438 đơn vị (đã loại trừ 668 đơn vị không còn hoạt động nhưng còn số thiếu) nợ từ 6 tháng trở lên, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là 91.288 triệu đồng (trong đó, nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN là 64.606 triệu đồng và nợ lãi chậm đóng là 26.682 triệu đồng).
Đáng chú ý, một số đơn vị có số nợ lớn, tiếp tục nợ, thiếu phối hợp với cơ quan BHXH để trả nợ, như: Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Nha Trang; Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Cam Ranh; Công ty cổ phần xây dựng cấp thoát nước số 12; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vân Phong; Công ty cổ phần khách sạn Bến Du Thuyền; Công ty TNHH Xây dựng Trường An…
Theo BHXH tỉnh Khánh Hòa, cơ quan này đã thực hiện đôn đốc thu nợ; kiểm tra thu hồi nợ đọng theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp để thu nợ, xử lý tiền đóng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Tổ công tác liên ngành thu nợ BHXH, BHYT cấp tỉnh và cấp huyện đã thực hiện đôn đốc thu nợ; kiểm tra thu hồi nợ đọng, đồng thời đã lập biên bản làm việc với các đơn vị nợ.
Đồng thời, BHXH tỉnh này phát hành văn bản đôn đốc thu, thu nợ gửi các đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, Tổ công tác liên ngành thu nợ BHXH, BHYT tỉnh và huyện thực hiện thu nợ, trốn đóng BHXH, BHYT.
Mặt khác, BHXH tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các cấp, ngành tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo nội dung Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.
Cơ quan này còn chủ động phối hợp với các cấp, ngành tăng cường mọi giải pháp thu, thu nợ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động tham gia BHXH; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT…
BHXH tỉnh này cũng tổ chức triển khai Hợp đồng hợp tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN giữa cơ quan BHXH với các ngân hàng, trong đó có nội dung các ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng mình được vay vốn để nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Lý do là hiện nay, lãi suất áp dụng đối với nợ BHXH, BHTN, BHYT là rất cao (lãi suất chậm đóng, truy đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN là 0,6984%/tháng; lãi suất chậm đóng, truy đóng BHYT là 1,6016%/tháng).
Thời gian qua, BHXH tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các ngân hàng thực hiện việc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để đóng số tiền nợ BHXH theo Hợp đồng ký kết giữa BHXH Khánh Hòa và các ngân hàng…