Tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán tháo trên diện rộng. Nhiều cổ phiếu lâm vào tình cảnh "trắng bên mua", một số khác chung tình cảnh nằm sàn như NVL, PDR, DIG, QCG...
Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp như Phát Đạt (HoSE: PDR), DIC Corp (HoSE: DIG) hay Becamex TDC (HoSE: TDC) có 5 phiên nằm sàn liên tiếp. Các doanh nghiệp này đã phải lên tiếng giải trình.
Cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã giảm liên tục từ ngày 19/10 và nằm sàn từ ngày 4/11. Tại ngày 11/11, cổ phiếu đã "bay" 47% giá trị, về mức 26.200 đồng/cổ phiếu và cũng thấp nhất trong vòng 20 tháng kể từ tháng 3/2021. Vốn hóa bị mất 23.600 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD) sau hơn một năm.
Doanh nghiệp cho biết giá cổ phiếu giảm do nhu cầu thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Cổ phiếu PDR được niêm yết, giao dịch trên HoSE, giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi tâm lý chung của các nhà đầu tư trên thị trường cũng như tác động của các chính sách điều hành vĩ mô liên quan tới bất động sản. Hiện tại, công ty vẫn hoạt động bình thường, kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng tốt, không có biến động gì xấu làm ảnh hưởng giá cổ phiếu.
Theo báo cáo 9 tháng, Phát Đạt có doanh thu 1.490 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 26% lên mức 1.400 tỷ đồng. Như vậy, công ty hoàn thành 14% doanh thu và 38% lợi nhuận năm.
Liên quan tới cổ phiếu PDR, gần đây Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt liên tục có thông tin sẽ bị bán giải chấp cổ phiếu từ Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN). Phát Đạt đã phải bổ sung tài sản là gần 13 ha đất Khu du lịch Bến Thành – Long Hải (dự án Tropicana, Bà Rịa Vũng Tàu).
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng chung tình cảnh tương tự. Sau 5 phiên giảm liên tiếp, cổ phiếu DIC về mức 11.650 đồng/cp vào ngày 11/11, mất 88% so với đỉnh đầu năm.
Trong văn bản giải trình, công ty cho biết cổ phiếu giảm trong những phiên gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin nhà đầu tư suy giảm. Đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường, HĐQT và ban điều hành công ty vẫn đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được thông qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn trước căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc, các chính sách thắt chặt tiền tệ thắt chặt và nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Trong nước, thị trường vốn suy giảm, Ngân hàng Nhà nước siết room tín dụng, lãi suất và tỷ giá tiếp tục tăng cao dẫn đến tâm lý lo ngại về cổ phiếu và nhóm ngành hoạt động của DIC Corp. Giá cổ phiếu suy giảm liên tục dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng với cả nhiều mã cổ phiếu khác thuộc cùng nhóm ngành hoạt động. Để hạn chế sự suy giảm cổ phiếu bất thường, DIC Corp sẽ tiếp tục nỗ lực trong hoạt động để gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất để gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, DIC Corp cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành khẩn trương có chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm để hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Giống như Phát Đạt, Chủ tịch HĐQT DIG và một số lãnh đạo cấp cao cũng bị một số công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu trong tháng 11. Trong đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp hơn 9,4 triệu cổ phiếu trong 4 ngày; con trai và con gái ông Tuấn đều là Phó Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp tổng cộng hơn 12,3 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu TDC của Becamex TDC giảm hơn 70% giá trị so với đầu năm, thị giá còn 8.290 đồng/cp vào ngày 11/11. Công ty lý giải giá giao dịch cổ phiếu bị ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư cộng thêm những ảnh hưởng gián tiếp bởi chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến lĩnh vực công ty đang kinh doanh. Vì vậy, việc cổ phiếu TDC giảm sàn 5 phiên liên tiếp là việc nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty.