Chứng khoán Việt Nam vẫn chưa tệ nhất thế giới tuần 17/10-21/10
Thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại giao dịch tiêu cực sau tuần hồi phục liền trước. Cả ba chi số trải qua đợt rung lắc mạnh cùng thanh khoản sụt giảm. Giá trị giao dịch trên ba sàn phiên giữa tuần rơi xuống mức thấp nhất hai năm. Thanh khoản chỉ cải thiện khi các chỉ số cắm đầu lao dốc trong phiên cuối cùng của tuần (21/10). VN-Index đã giảm hơn 42 điểm, tương đương mức giảm 3,96% trong cả tuần. Riêng ngày 21/10, VN-Index giảm 3,65, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu trong nhóm các thị trường giao dịch tiêu cực nhất thế giới. Tính chung cả tuần, chỉ số đại diện sàn chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong top đầu giảm điểm, chỉ ít “tiêu cực: hơn chứng khoán Venezula (4,33%).
Dù thanh khoản tăng mạnh ở phiên 21/10, khối lượng giao dịch bình quân tuần qua vẫn giảm giảm 17,64% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 10.199,57 tỷ đồng/phiên, giảm 18,78% so với tuần trước.
Trong khi đó, chỉ số sàn HNX giảm sâu hơn khi “bốc hơi” tới 4,6%. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp cũng kích thích dòng tiền tham gia. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 56,03 triệu đơn vị/phiên, giảm 6,68% so với tuần trước nhưng giá trị giao dịch bình quân đạt 993,97 triệu đơn vị/phiên, tăng 4,71% so với tuần trước.
UPCoM chỉ giảm 1,8% nhờ ba phiên giữa tuần hồi phục đáng kể. Cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Vinalines (MVN), ACV hay VEAM là các trụ cột “gồng gánh” chỉ số chung tuần qua.
Nhóm thực phẩm đồ uống là điểm sáng của thị trường tuần qua. Không riêng MCH của sàn UPCoM, nhiều cổ phiếu “ông lớn: ngành thực phẩm đi ngược xu hướng chúng như VNM (+4,1%), SAB (+2,5%) và BHN (+3,8%). Cùng với cổ phiếu phòng thủ DHG (ngành dược), REE (ngành điện), đây là top 5 cổ phiếu tác động tích cực nhất đối với VN-Index.
Dù vậy, các điểm sáng trên lẻ loi và không “gánh” được chỉ số chung. Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản với quy mô vốn hoá lớn là các đầu tàu kéo lùi chỉ số như cổ phiếu VHM, VIC trên sàn HoSE hay IDC trên sàn HNX. Cổ phiếu loạt ngân hnafg vẫn tiếp tục giảm mạnh. Dòng chứng khoán giảm sâu, đa số giảm kịch biên độ trong phiên 21/10. Nhóm thép cũng không khả quan. Đã có một số doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh đi lùi, thậm chí thua lỗ.
Khối ngoại mua ròng tuần thứ 2 liên tiếp
Các nhà đầu tư nước ngoài bán ra khá mạnh trong phiên 21/10. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, khối ngoại vẫn mua ròng nhẹ 24,5 tỷ đồng. Đây đã là tuần thứ hai liên tiếp nhóm này giải ngân vào thị trường. Tuy nhiên, quy mô đã thu hẹp đáng kể so với mức mua ròng 2.758 tỷ đồng của tuần trước đó.
Điểm chung của cả hai tuần gần đây là khối ngoại giải ngân khá tập trung, các lệnh lớn dồn vào một số cổ phiếu nhất định. Vinamilk dẫn đầu về quy mô mua ròng (406 tỷ đồng). Cũng chính lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài cũng là động lực giúp giá cổ phiếu VNM tăng hơn 4% tuần qua, lên 77.000 đồng. Khối ngoại cũng gom thêm khá mạnh cổ phiếu MSN, VCB, DGC, FRT.
Ở chiều ngược lại, HPG và VHM là hai cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất. Khối ngoại thu về gần 630 tỷ đồng từ bán cổ phiếu Hoà Phát tuần qua. Mức giảm tới 13,11% của HPG đã kéo tài sản của nhiều nhà đầu tư lao dốc. Tổng tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hoà Phát giảm 3.867 tỷ đồng xuống còn 25.626 tỷ đồng, đứng thứ ba trong top người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Loạt lệnh phạt hành chính với công ty quản lý quỹ
Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tuần qua tiếp tục đưa ra nhiều quyết định xử phạt, đáng chú ý tập trung vào nhiều lỗi vi phạm của ba công ty quản lý quỹ với tổng mức phạt hành chính hơn nửa tỷ đồng.
Cụ thể, UBCKNN ban hành Quyết định số 759/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán phạt với Công ty Trách nhiệm hữu hạn quản lý quỹ Eastspring Investments 85 triệu đồng vì không nộp Báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ năm 2020. Cùng đó, Eastspring Investments chịu phạt 125 tỷ đồng do vi phạm quy định về hạn chế đối với nhân viên làm việc tại công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, các giao dịch chứng khoán của nhân viên công ty quản lý quỹ không được báo cáo đầy đủ cho bộ phận kiểm soát nội bộ trước và ngay sau khi giao dịch.
Cũng trong tuần này, UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần quản lý quỹ Hợp Lực do vi phạm hai lỗi.
Công ty đã không tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp về quản trị khi hông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 không đảm bảo thời hạn theo quy định; không tổ chức họp Hội đồng quản trị định kỳ trong năm 2020, 2021 theo quy định. Công ty quản lý quỹ này còn không ban hành đầy đủ quy trình nghiệp vụ. Cả hai hành vi vi phạm đều chịu mức phạt tiền 60 triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Pavo Capital bị phạt tiền 85 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm không tách biệt về nhân sự giữa hoạt động đầu tư tài chính của công ty và hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán. Công ty cũng không ban hành đầy đủ các quy trình nội bộ, quy trình nghiệp vụ phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ cung cấp (không ban hành quy trình phân bổ lệnh giao dịch, phân bổ tài sản. Mức phạt hành chính được áp dụng là 60 triệu đồng. Pavo Capital cũng bị phạt thêm 60 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (báo cáo không đúng thời hạn Báo cáo tình hình hoạt động công ty tháng 5/2022; Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tháng 5/2022; Báo cáo quản trị rủi ro bán niên 2022).
Trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung hành vi thao túng chứng khoán của Chủ tịch Louis Holdings
Ngày 21/10, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quyết định trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung vụ "thổi giá" 2 mã cổ phiếu BII và TGG liên quan Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhâ, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ bản chất hành vi sai phạm của các bị can Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt) và đồng phạm trong việc thao túng thị trường chứng khoán nhằm hưởng lợi cá nhân.
Theo kết luận điều tra, giai đoạn 2020-2021, Louis Holdings mua cổ phần sở hữu 6 công ty rồi niêm yết trên sàn chứng khoán. Thời điểm đó, bị can Nhân là người đại diện pháp luật của 3 công ty gồm: Công ty cổ phần Louis Holdings, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang và Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng. Ba doanh nghiệp còn lại được ông này nhờ cổ đông, bạn bè, người thân đứng tên.
Cuối năm 2020, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (mã BII) do ông Nguyễn Văn Dũng làm Chủ tịch HĐQT hoạt động yếu kém, có nguy cơ phải huỷ niêm yết. Do đó, Bảo Thư đã bán 9 triệu cổ phiếu cho ông Nhân và người thân. Trong vụ án này, ông Dũng giới thiệu Đỗ Đức Nam cho Nhân để xử lý việc vay tiền mua cổ phiếu.Đến tháng 2/2021, được sự tư vấn của ông Nam, ông Nhân tiếp tục mua bán, thâu tóm cổ phiếu TGG (Công ty cổ phần Trường Giang) trên sàn với khoảng giá 1.800 đồng/cổ phiếu và sử dụng các tài khoản trong nhóm Đỗ Thành Nhân giao dịch mua bán, tăng tính thanh khoản, làm giá cổ phiếu BII và TGG.
Kết luận điều tra cũng nêu ông Nhân đã bàn bạc thỏa thuận, thống nhất với ông Đỗ Đức Nam về việc mở, sử dụng nhóm các tài khoản chứng khoán đăng ký đứng tên các cá nhân là bạn bè, cổ đông, người thân của ông Nhân để mua bán thâu tóm cổ phiếu và giao dịch mua bán, khớp lệnh, làm tăng tính thanh khoản và đẩy giá cổ phiếu mã BII và TGG tăng cao để thu lợi bất chính đầu tư, thâu tóm các công ty khác như Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (mã cổ phiếu AGM), Công ty cổ phần SAMETEL (mã cổ phiếu SMT), Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã cổ phiếu VKC), Công ty cổ phần DAP-VINACHEM (mã cổ phiếu DDV), Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã cổ phiếu APG), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (mã cổ phiếu LDP), tạo "hệ sinh thái Louis Holdings".