Cơ chế còn lỏng lẻo
Trao đổi về vấn đề hành nghề môi giới bất động sản, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã có 7 điều về nghề môi giới bất động sản, nhưng vẫn còn thiếu quy định chi tiết để thi hành.
Để chuẩn hóa nghề nghiệp này, năm 2015, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản; điều hành sàn giao dịch bất động sản... Thông tư này cũng đưa ra một số yêu cầu kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp của nghề môi giới.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, song chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ nghề, chiếm khoảng 10% - một tỷ lệ rất thấp. Đó là chưa kể năng lực hành nghề của những người có chứng chỉ cũng còn nhiều vấn đề. Thực tế này đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản thời gian qua.
“Sự thiếu nghiêm túc trong hoạt động môi giới, chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây”, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký VARS phát biểu tại Hội thảo “Môi giới bất động sản Việt Nam - chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế” do VARS tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Liên quan vấn đề trên, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch VARS cho rằng, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế quản lý ngành môi giới bất động sản, nên xã hội chưa có cái nhìn đúng đắn về nghề này. Sự lỏng lẻo trong cơ chế đã khiến những môi giới chuyên nghiệp còn chông chênh trong nghề, trong khi những môi giới tự phát, thiếu chuyên môn bùng phát mạnh mẽ.
Chất lượng đào tạo nghề môi giới còn nhiều yếu kém
Bàn về đội ngũ môi giới bất động sản, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản nhận định: “Cách thức làm ăn chộp giật, vi phạm pháp luật, cấu kết cùng nhà đầu tư, đầu cơ gây lũng đoạn thị trường vẫn thường xuyên xảy ra. Đây là lực lượng được xem như là nhân tố chính gây bất ổn cho thị trường bất động sản”.
Trình độ, nghiệp vụ và chế tài đối với nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.
Theo ông Lập, các đơn vị đào tạo kiến thức hành nghề môi giới, quản lý sàn rất đông, nhưng chất lượng đào tạo còn nhiều yếu kém. Chưa kể, nội dung đào tạo không gắn với thực tiễn hoặc không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là công tác tổ chức sát hạch chưa được coi trọng, còn nhiều kẻ hỡ.
Cho rằng, quy định về chứng chỉ hành nghề môi giới đối với nhân viên môi giới bất động sản là một trong những bước quan trọng để xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch, chuyên nghiệp và phát triển bền vững, ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Công ty Hải Phát Land đã chỉ ra một số bất cập hiện nay, như quy định pháp luật chưa bắt buộc nhà môi giới bất động sản phải có chứng nhận hoàn thành khóa học mới được cấp chứng chỉ, chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới chưa đủ sức răn đe…
So sánh nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam với các nước trên thế giới, ông Giang cho biết, trình độ, nghiệp vụ và chế tài đối với nghề môi giới ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, tại Mỹ, các nhà môi giới phải qua đào tạo, sau đó thi sát hạch để được cấp bằng.
Chính vì được đào tạo bài bản về kỹ năng, nên những quy định về nghề môi giới ở các nước cũng rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. “Người làm nghề môi giới khi có dấu hiệu vi phạm luật hay có hành vi sai trái có thể bị kiện ra tòa án để xử lý”, ông Giang cho biết thêm.
Từ những bất cập trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, kiểm tra, cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời tăng cường công tác phổ biến pháp luật và nâng cao trình độ cho lực lượng môi giới.