Còn phổ biến tình trạng quy hoạch chung "chạy theo" quy hoạch dự án. Ảnh: Dũng Minh

Còn phổ biến tình trạng quy hoạch chung "chạy theo" quy hoạch dự án. Ảnh: Dũng Minh

"Loạn" điều chỉnh quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lập quy hoạch đô thị, dự án thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, gắn với kế hoạch phát triển dài hạn của chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Thế nhưng, tại nhiều địa phương và dự án, việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá tùy tiện, tự phát…

Gây nhiều bức xúc

Trở thành điểm nóng trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, ngoài đặt ra những yêu cầu cấp bách trong việc sửa đổi một số nội dung của Luật Đất đai để thiết lập một khuôn khổ pháp lý đầy đủ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, câu chuyện quy hoạch cũng được quan tâm.

Luật Quy hoạch đã được ban hành và có hiệu lực cách đây gần 2 năm, nhưng theo ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực thi sắc luật này, tình trạng “sinh con trước, sinh cha sau” khi quy hoạch chung chạy theo quy hoạch các dự án cụ thể ở quy hoạch đất cấp quận, huyện vẫn chưa thực sự được giải quyết.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trong những năm qua, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng tự phát vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là 2 đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM. Theo số liệu thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ các dự án của Thành phố lên tới 70%, cao hơn đáng kể so với con số 40% của TP.HCM, trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hay bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.

Đáng chú ý, việc điều chỉnh quy hoạch ở nhiều dự án đã gây bức xúc không chỉ với cư dân sinh sống tại dự án mà còn ở khu vực xung quanh. Đơn cử, mới đây, tranh chấp bất ngờ bùng lên tại một dự án chung cư quy mô lên tới hàng nghìn căn hộ ở khu vực phía Tây Hà Nội sau khi có thông tin chủ đầu tư muốn xây dựng công trình khu C dự án theo quy hoạch ban đầu là trung tâm thương mại cao 5 tầng thành tòa nhà cao 40 tầng.

Mặc dù chủ đầu tư đã lý giải việc đề xuất, thẩm định cũng như phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại khu này tuân thủ đúng các yêu cầu về quy hoạch kiến trúc, quy chuẩn, cùng với việc vẫn đảm bảo mật độ xây dựng ở mức cho phép, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch sau khi dự án đã đi vào hoạt động một thời gian khá dài gây nhiều lo ngại, trước tiên là với những căn hộ có nguy cơ bị che lấp tầm nhìn bởi dự án mới, tiếp đến là sẽ gây sức ép lên hạ tầng nội khu cũng như khu vực dự án tọa lạc, khi mà nơi đây vốn đang là “điểm nóng” tắc đường, kẹt xe.

Thời gian qua, một loạt dự án đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết nhiều dự án như Khu chức năng đô thị Golden Palace A, Khu đô thị mới Mỹ Đình II, quy hoạch 2 bên tuyến đường Phạm Hùng tại ô đất 4.500 m2 ký hiệu N6.3… Đáng chú ý, việc điều chỉnh quy hoạch đều theo hướng thay đổi công năng sử dụng thành đất ở, xin tăng thêm chiều cao, mật độ diện tích xây dựng.

Trước đó, cư dân sinh sống tại Khu Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) cũng phản ứng quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án của UBND TP. Hà Nội, trong đó có việc điều chỉnh khu đất có ký hiệu ĐMKT (đầu mối kỹ thuật) diện tích hơn 4.800 m2 thành công trình bệnh viện ung bướu với mật độ xây dựng 40%, cao 12 tầng. Người dân lo ngại sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống như gây áp lực cho cơ sở hạ tầng dự án.

Sau này, dù đại diện chính quyền Hà Nội cho biết dự án bệnh viện ung bướu sẽ chuyển đổi thành dự án bệnh viện đa khoa với mục đích nghiên cứu khoa học là chính và sẽ trở thành một tiện ích cho cư dân nơi đây, nhưng vấn đề tới nay vẫn chưa lắng dịu khi người dân còn “bán tín bán nghi” về cam kết không điều chỉnh quy hoạch dự án của chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, không phủ nhận sự hình thành các đô thị đã mang lại diện mạo mới cho Hà Nội, nhưng đi kèm với đó là tình trạng phát triển tự phát, phong trào, không theo quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch còn diễn ra phổ biến.

“Có một thực tế là tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới việc Hà Nội phải liên tục điều chỉnh quy hoạch đô thị cho phù hợp, điều đó cho thấy công tác quy hoạch chưa thể hiện sự đi trước đón đầu, tầm nhìn xa trông rộng, gắn với kế hoạch phát triển dài hạn như ý nghĩa vốn có”, ông Nghiêm nói, đồng thời chỉ ra một loạt nguyên nhân, đó là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh bỏ trống nhiều lĩnh vực, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ ràng, quá trình quản lý nhà nước về xây dựng còn tồn tại nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển...

Cần cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch

Thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho thấy, toàn địa bàn Thành phố đã được phê duyệt 32/32 đồ án, quy hoạch phân khu đã phê duyệt 33/35 đồ án. Triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 5/5 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, bên cạnh một khối lượng lớn quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù…

Đánh giá chung, các đồ án quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, công bố và bàn giao đầy đủ theo quy định là cơ sở cung cấp thông tin, chứng chỉ quy hoạch, triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình, tuyến đường, cấp giấy phép xây dựng; xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng; từng bước chỉnh trang, nâng cao bộ mặt kiến trúc đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Thành phố…

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề, đó là đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực… còn chưa đồng bộ với quy hoạch xây dựng, việc triển khai thực hiện quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm, phải điều chỉnh nhiều lần và gây bức xúc khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quy hoạch không phải thứ có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám sát sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của người dân lên hàng đầu.

Ông Tùng cho biết, tại các quốc gia phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần phải lấy ý kiến rộng rãi trước khi thông qua, trong khi ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như cư dân sinh sống tại khu vực bị điều chỉnh, hệ lụy là công tác quy hoạch luôn bất cập.

“Để hạn chế tình trạng trên, cơ quan lập quy hoạch cần phải lên kế hoạch tham vấn các bên liên quan một cách bài bản, sau đó dự thảo quy hoạch điều chỉnh cần được công khai để cộng đồng, các tổ chức, cá nhân giám sát, theo dõi”, ông Tùng đề xuất.

Còn ông Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, hiện nay, nhiều địa phương đầu tư kinh phí lớn cho công tác quy hoạch xây dựng, song vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ quy hoạch được đề ra trước tiên, sau đó bị điều chỉnh bởi các nhóm lợi ích, hậu quả là người dân gánh chịu.

“Do vậy, nhiều nước trên thế giới không để cho một kiến trúc sư hay một tổ chức độc lập trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, mà phải có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học…”, ông Quảng nói.

Được biết, vào đầu tháng 3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội”, trong đó nêu rõ cần xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt; rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm để có kế hoạch xử lý, khắc phục dứt điểm.

Tin bài liên quan