Vẫn loạn giá phí
Qua kiểm tra các điểm bán bảo hiểm mô tô, xe máy tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ và Đà Nẵng, đoàn kiểm tra phát hiện, nhiều đại lý bảo hiểm chỉ thu phí bảo hiểm 35.000 - 40.000 đồng/xe máy/năm (đã bao gồm VAT) và trên Giấy chứng nhận bảo hiểm vẫn ghi mức phí là 66.000 đồng, không phân biệt dung tích của xe. Thậm chí, có đại lý còn bán bảo hiểm cho 2 năm liên tục trên một giấy chứng nhận bảo hiểm. Trong khi, theo quy định hiện hành, mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô 2 bánh có dung tích dưới 50cc là 55.000 đồng/xe/năm, xe có dung tích trên 50cc là 66.000 đồng/xe/năm (bao gồm cả VAT), không được khuyến mãi dưới mọi hình thức.
Thực ra, việc phát hiện vi phạm trong bán bảo hiểm xe máy không còn là câu chuyện mới. Trước đó, cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm từng vào cuộc xử lý không ít vụ việc. Vậy nhưng, tình trạng này vẫn diễn ra rất phổ biến.
Khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đã được các chuyên gia trong ngành mổ xẻ. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là việc xử lý còn chưa đủ mức độ răn đe; do chưa làm rõ mức độ ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng cũng như người bán trong trường hợp tham rẻ; do việc chạy theo doanh thu của các đại lý, của doanh nghiệp bảo hiểm.
Giành khách ngay trong “nhà”
Không chỉ tái diễn tình trạng loạn giá bán bảo hiểm, mà theo một chuyên viên khai thác bảo hiểm xe máy tiết lộ, việc cạnh tranh giành khách hàng cũng diễn ra khá lộn xộn. Cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm này với nhau, mà diễn ra ngay trong nội bộ doanh nghiệp.
Theo chuyên viên này, do mỗi hợp đồng bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy chỉ có doanh thu vài chục ngàn đồng, nên mỗi tháng phải vất vả lắm mới đạt được định mức doanh thu 66 triệu đồng (tương đương 1.000 đơn bảo hiểm). Và chỉ khi đạt được định mức doanh thu này, chuyên viên mới được hưởng nguyên lương. Đó là chưa kể những trường hợp cán bộ nhân viên bảo hiểm khi khai thác bảo hiểm phải thỏa thuận ngầm trả lại cho bên thứ ba một khoản tiền nhất định như là hoa hồng bảo hiểm, nên thực tế, tiền lương nhận được không đáng là bao.
Trong nhiều cuộc hội nghị ngành, các thành viên thị trường cùng thống nhất quan điểm nói “không” với chạy đua doanh thu bằng mọi giá thông qua quyết tâm chú trọng tăng hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ. Nhưng thực tế cho thấy, điều này không dễ thực hiện. Nhân viên bảo hiểm “chạy đua” doanh số để có lương, còn doanh nghiệp bảo hiểm phải “chạy đua” doanh số để giữ thị phần.
Trước tình trạng loạn khai thác bảo hiểm xe máy, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp khai thác sản phẩm này, một lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, đã đến lúc các doanh nghiệp nên khoanh vùng rõ hơn về khai thác bảo hiểm cũng như tăng cường hợp tác chia sẻ, tránh kiểu mạnh ai người đó bán. Ở phạm vi doanh nghiệp, cần tạo ra cơ chế một cán bộ, nhân viên bảo hiểm có trách nhiệm khai thác trực tiếp, đồng thời, có trách nhiệm phát triển kênh đại lý, quản lý hướng dẫn đại lý, quản lý hợp đồng đại lý bảo hiểm mang lại, từ đó được hưởng lợi ích trên doanh thu của đại lý. Ngoài ra, cũng cần tạo cơ chế, chính sách cho những đối tác đưa khách hàng tới cho doanh nghiệp bảo hiểm, dù không trực tiếp bán bảo hiểm.
“Với những đối tác là cầu nối để doanh nghiệp bảo hiểm gặp khách hàng, thậm chí tổ chức và chịu chi phí cho các cuộc gặp gỡ, thương thảo mang về hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, nên chăng, cần có hợp đồng thỏa thuận ghi nhận quyền lợi được hưởng giữa 2 bên là đối tác và doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, quyền lợi của đối tác không vượt quá hoa hồng bảo hiểm”, trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp bảo hiểm đề xuất và cho rằng, cách làm này có thể giúp mang lại doanh số thực chất cho doanh nghiệp bảo hiểm cũng như nhân viên bảo hiểm.