Loại nhà đầu tư cá nhân không chuyên khỏi sân chơi trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Bắt đầu từ tháng 1/2024, nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phải tuân thủ điều kiện khắt khe theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Theo đó, phần lớn nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp sẽ bị loại khỏi sân chơi.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không dành cho các “tay mơ”. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không dành cho các “tay mơ”. Ảnh: Dũng Minh

Không lùi quy định “giãn” tư cách nhà đầu tư chứng khoán cá nhân chuyên nghiệp

Theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP, việc ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP chỉ kéo dài hết ngày 31/12/2023. Nghĩa là, từ đầu tháng 1/2024, nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia cuộc chơi TPDN phải tuân thủ Nghị định 65/2022/NĐ-CP: phải có danh mục chứng khoán niêm yết nắm giữ tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc thêm việc có nên áp dụng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân ngay từ đầu năm 2024 hay gia hạn thêm một thời gian nữa, bởi việc áp dụng ngay có thể sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của những trái phiếu đã phát hành trước đây.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu muốn một thị trường TPDN lành mạnh, đối tượng mua là người có kiến thức, có kinh nghiệm, có hiểu biết, thì việc áp dụng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân của Nghị định số 65 là cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, việc nâng chuẩn nhà đầu tư cá nhân chứng khoán chuyên nghiệp đã được lùi một thời gian, do thời điểm ban hành Nghị định 65, nhà đầu tư chưa có đủ 6 tháng để tích lũy, chứng minh là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đến thời điểm này, nhà đầu tư đã có đủ thời gian tích lũy 6 tháng, nên không cần tiếp tục gia hạn.

“Pháp lý rất rõ ràng, phát hành TPDN riêng lẻ chỉ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. TPDN riêng lẻ là sản phẩm của thị trường tài chính, rủi ro hơn TPDN phát hành ra công chúng, do đó cần giới hạn các nhà đầu tư. Rủi ro TPDN riêng lẻ không chỉ liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp, mà còn do rủi ro thị trường khiến doanh nghiệp không trả được nợ. Thời gian qua chúng tôi đã phát đi nhiều cảnh báo đến nhà đầu tư và sẽ tiếp tục tuyên truyền để công chúng và nhà đầu tư hiểu hơn về TPDN”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết.

Siết nhà đầu tư cá nhân, phải có cơ chế “hút” nhà đầu tư tổ chức

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI, thời gian qua, các nhà đầu tư TPDN cá nhân bị thiệt hại là nạn nhân, song họ cũng chính là thủ phạm tự đẩy mình trở thành nạn nhân. Do đó, cần khung khổ pháp lý mới nâng cao quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Bên cạnh tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân về TPDN, cần đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức trên thị trường trái phiếu. Theo đó, cần có các giải pháp khuyến khích nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí…

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Tuy vậy, cùng với sự siết chặt điều kiện của nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN, bà Ngọc Anh cho rằng, cần có giải pháp thu hút sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức mua TPDN.

“Cơ chế quỹ đầu tư nội tham gia ở thị trường hiện nay tương đối hạn chế. Tôi đề xuất cho phép nhà đầu tư cá nhân được phép ủy thác cho công ty quản lý quỹ để đầu tư trái phiếu riêng lẻ và không cần là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời, các quỹ đầu tư trái phiếu trên thị trường hiện nay, theo quy định, được khoảng 10% tham gia trái phiếu riêng lẻ thì bây giờ có thể nâng lên 30% hoặc 40%. Khi đó, chúng ta mới xây dựng được hệ thống nhà đầu tư chuẩn chỉnh và chuyên nghiệp trên thị trường TPDN. Ngoài ra, có thể đưa ra một số ưu đãi về phí lưu ký và phí của trung tâm lưu ký thu trong từng giao dịch trái phiếu để hỗ trợ các giao dịch lớn của TPDN”, bà Ngọc Anh kiến nghị.

Tán thành ý kiến này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có giải pháp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hiện nay, nhà đầu tư tổ chức trên thị trường TPDN chủ yếu là các ngân hàng, công ty chứng khoán. Tuy nhiên, các ngân hàng tham gia đầu tư TPDN bị kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện cũng chưa có cơ chế thu hút các công ty bảo hiểm - đang quản lý số tiền đầu tư khoảng 30 tỷ USD - đầu tư vào TPDN. Luật Kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực đầu năm 2023, không cho phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ đã làm hạn chế sự tham gia của nhóm nhà đầu tư này vào kênh TPDN.

Ngoài ra, với nhóm quỹ đầu tư, bao gồm quỹ đầu tư TPDN, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng, các chính sách hiện nay cần rà soát tạo lợi thế cho các quỹ này phát triển nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp thông qua các đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp được cấp phép và quản lý bởi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Hiện tại, quy mô tài sản của 87 quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép đạt mức 73.400 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD) vào cuối năm 2022, nhưng phân bổ tài sản vào TPDN vẫn hạn chế và chưa phát triển.

Về trung và dài hạn, theo ông Thuân, nên xem xét các giải pháp để phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, thu hút nguồn vốn từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đơn vị quản lý vốn nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào trái phiếu. Việc tham gia của các định chế nhà nước này sẽ góp phần cải thiện niềm tin của công chúng vào kênh đầu tư TPDN và đây là thông lệ của các thị trường trong khu vực. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro mất vốn nhà nước, cần có các quy định cụ thể về tỷ lệ phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp và các quy định quản trị rủi ro tương ứng…

Tin bài liên quan