Chấm dứt cách đề xuất dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) một cách tràn lan, chủ quan

Chấm dứt cách đề xuất dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) một cách tràn lan, chủ quan

Loại hơn 200 đề xuất dự án PPP của các địa phương

Chỉ chục đề xuất dự án thực hiện theo hình thức PPP lọt cửa các vòng thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 200 đề xuất do các địa phương gửi lên đã bị loại vì “không đảm bảo tiêu chí của dự án PPP”.

Chỉ chục đề xuất dự án thực hiện theo hình thức PPP lọt cửa các vòng thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để vào Danh mục dự án PPP theo quy định của Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa là con số cuối, bởi những việc lựa chọn dự án cũng như quy trình thẩm định và phê duyệt đề xuất dự án còn phải tuân thủ  quy định mới của Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, sẽ có hiệu lực vào ngày 4/4 tới.

Màng lọc mới, được nhận định là khá chặt chẽ, sẽ khiến việc lựa chọn đề xuất dự án để thẩm định trước khi công bố vất vả hơn. Nhưng chỉ có cách này mới có thể chấm dứt tình trạng các địa phương ồ ạt xây dựng đề xuất dự án PPP.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lý do hơn 200 đề xuất do các địa phương gửi lên theo yêu cầu của Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg đã bị loại vì “không đảm bảo tiêu chí của dự án PPP”.

“Rất nhiều địa phương gửi danh sách để xếp nốt, với lý do đây là các dự án địa phương rất cần. Trong khi đó, yêu cầu của các dự án theo hình thức PPP là ngoài các lĩnh vực được xác định, còn phải đảm bảo cả mục tiêu đầu tư của Nhà nước, vừa đảm bảo được vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư. Nhưng điều này chưa được tính toán đầy đủ trong nhiều đề xuất dự án”, ông Tăng nói.

Đặc biệt, phải kể tới các yêu cầu về đảm bảo khả năng sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ thực hiện dự án PPP. Mặc dù đây là một trong những điểm mấu chốt xác định hình thức đầu tư công - tư của dự án, song ông Tăng cho biết, thực tế chưa được nhiều địa phương coi trọng.

Cũng phải nhắc lại, danh mục đề xuất dự án PPP mà các bộ, ngành, địa phương đã gửi trước rất thiếu thông tin để đánh giá sơ bộ tính khả thi của dự án.

Mặc dù quy định về việc lập đề xuất dự án phải trên cơ sở cân đối nguồn vốn thực hiện, nhưng không ít địa phương phê duyệt tràn lan các dự án BOT, BT, trong khi hàng năm, địa phương vẫn phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Thậm chí, khi rà soát tình hình thực hiện các dự án BOT, BT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện có địa phương phê duyệt các dự án BT có tổng mức đầu tư vượt 3 - 5 lần ngân sách địa phương hàng năm.

Ngay cả khoản tiền hoàn trả cho các dự án BOT, BT, BTO đều được lấy trực tiếp hay gián tiếp từ ngân sách, nhưng trong nhiều dự án, toàn bộ chi phí để hoàn trả không có trong dự toán chi tiêu ngân sách hàng năm của các tỉnh và không được HĐND tỉnh phê duyệt.

“Phải xác định rõ 2 vai trò của Nhà nước trong đầu tư PPP, trong đó có vai là một đối tác trong hợp đồng. Nghĩa là, Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư. Như vậy, các đề xuất dự án PPP mà các bộ, ngành, địa phương đưa ra cũng phải tính toán trên cơ sở cùng có lợi”, ông Tăng phân tích các quy định mới về điều kiện lựa chọn dự án PPP được quy định rõ tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP và nhấn mạnh, việc xác định phần vốn nhà nước trong dự án PPP cũng sẽ theo từng dự án, phụ thuộc vào báo cáo tài chính của dự án, thay vì cách làm trước đây là xác định vốn nhà nước tham gia trước rồi mới xây dựng dự án.

Dự án dự kiến có sự tham gia vốn đầu tư của Nhà nước sẽ phải thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án của cơ quan có thẩm quyền và lấy ý kiến thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Cũng theo quy định mới tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để làm cơ sở xây dựng và công bố dự án. Trong trường hợp có nhiều dự án đáp ứng các điều kiện lựa chọn dự án, thì ưu tiên sẽ dành cho các dự án có khả năng thu hồi vốn từ hoạt động kinh doanh.

Liên quan đến việc nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án ngoài Danh mục do bộ, ngành, UBND cấp tỉnh công bố, ông Hoàng Mạnh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các đề xuất cũng phải đáp ứng đủ điều kiện như quy định đối với dự án do bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất và công bố.

“Nhà đầu tư đề xuất phải thực hiện thủ tục lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và công bố để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như quy định đối với các dự án trong danh mục”, ông Phương nhấn mạnh.

Đặc biệt, nếu nhà đầu tư đề xuất dự án là doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp này phải hợp tác với doanh nghiệp ngoài nhà nước để tiến hành các thủ tục theo quy định.

Tin bài liên quan