Loại dự án xi măng quy mô nhỏ ra khỏi quy hoạch ngành

Loại dự án xi măng quy mô nhỏ ra khỏi quy hoạch ngành

Công cuộc thanh lọc các dự án xi măng không phù hợp Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn tới tiếp tục được Chính phủ và Bộ Xây dựng rà soát và thực hiện triệt để.

Trong động thái quyết liệt mới đây, Chính phủ đã loại bỏ thêm 5 dự án xi măng. Đó là các dự án Xi măng Cao Dương (Hòa Bình), Chợ Mới (Bắc Kạn), Việt Đức (Bắc Giang), Long Thọ (Thừa Thiên Huế) và Ngân Sơn (Bắc Giang) ra khỏi Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo rà soát tại Quyết định 1488/2011/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 – 2020 định hướng đến năm 2030, cả 5 dự án trên đều có quy mô công suất 910.000 tấn/năm.

Trước đó, tháng 4/2013, Chính phủ cũng đã đưa 9 dự án ra khỏi quy hoạch xi măng. Điều đáng nói là, cả 9 dự án bị thanh lọc đợt này đều có quy mô công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày.

Cần phải nói thêm, việc thanh lọc các dự án xi măng đã có trong Quy hoạch bởi 2 lý do.

Một là, dù đã được phê duyệt theo Quyết định 1488/2011/QĐ - TTg, nhưng do những hạn chế về năng lực tài chính của chủ đầu tư, nên các dự án này vẫn chưa được triển khai.

Hai là, các dự án trên, nếu được triển khai, cũng không đáp ứng các yêu cầu của thị trường để có thể tham gia cuộc cạnh trang ngày càng khốc liệt trên thị trường xi măng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc rà soát và loại bỏ những dự án xi măng không còn phù hợp, như quy mô công suất nhỏ, khả năng cạnh tranh không cao, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu và cả các dự án quy mô lớn nhưng chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện… là cần thiết. “Đây là những động thái nhằm đưa ngành xi măng phát triển đúng quỹ đạo và tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao”, ông Tới nói.

Như vậy, đến thời điểm này, đã có 14 dự án xi măng bị đưa ra khỏi quy hoạch ngành.

Cùng với việc rà soát để đưa ra khỏi quy hoạch những dự án đã lỗi thời cả về quy mô công suất, công nghệ, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm dự án mới, có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành xi măng.

Cụ thể, ngay khi loại bỏ 5 dự án xi măng công suất dưới 910.000 tấn/năm, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Xi măng Long Sơn - Thanh Hóa (công suất 2,3 triệu tấn/năm được triển khai từ đầu năm 2014, dự kiến vận hành năm 2018) vào quy hoạch phát triển ngành.

Liên quan đến việc loại bỏ các dự án xi măng công suất nhỏ ra khỏi Quy hoạch, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình), doanh nghiệp sở hữu 5 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 7,6 triệu tấn/năm cho rằng, các dự án xi măng công suất dưới 1 triệu tấn/năm hoàn toàn không còn phù hợp để cạnh tranh trong bối cảnh thị trường xi măng hiện tại. Những năm qua, ngành xi măng đã chứng kiến sự sụp đổ của nhiều nhà máy xi măng được đầu tư trong giai đoạn phát triển nóng, khi năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế, dự án đầu tư kéo dài thời gian, suất đầu tư tăng cao, như Xi măng Đồng Bành, Hạ Long, Sông Thao…

Không chỉ quản chặt đầu tư các dự án, “soi” kỹ năng lực chủ đầu tư, địa điểm đầu tư, quy mô nhà máy, Chính phủ cũng sẽ nói không với các đề nghị bảo lãnh vay vốn cho đầu tư xi măng.

Tin bài liên quan