Ðịnh danh ngân hàng yếu kém
Theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2019, căn cứ vào thực trạng, mức độ rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng này vào kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện.
Thông tư 11/2019 nêu rõ các trường hợp tổ chức tín dụng sẽ được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả, dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian 3 tháng liên tục.
Cụ thể, tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả khi không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 1 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý được so với tổng nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 1 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.
Tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cấp 1 thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được so với tổng nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 6 tháng liên tục mà tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của tổ chức tín dụng thấp hơn 4%.
Tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán khi không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.
Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ vào thực trạng, mức độ rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, quyết định đưa tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện.
Sẽ có thêm ngân hàng nhỏ bị sáp nhập?
Hiện trong hệ thống có DongA Bank đang bị kiểm soát đặc biệt kể từ cuối năm 2015 đến nay. Nguyên nhân là do trong giai đoạn từ 2012 trở về trước, lãnh đạo DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Ngân hàng, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu và rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Cụ thể, cựu Tổng giám đốc Trần Phương Bình và các đồng phạm đã gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng cho DongA Bank và với tội danh này, tòa y án ông Bình mức án tù chung thân.
Theo số liệu đã kiểm toán của Công ty Kiểm toán EY Việt Nam, tính đến hết năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.
Tuy nhiên, DongA Bank đã không công bố báo cáo tài chính năm 2018 mà chỉ cho biết, tính đến hết tháng 10/2018, tỷ lệ thanh khoản của Ngân hàng vẫn được duy trì ở mức cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 20,98% (so với quy định của Ngân hàng Nhà nước là 10%); tỷ lệ khả năng chi trả 30 ngày đối với tiền đồng là 71% (so với quy định là 50%), đối với ngoại tệ là 73,92% (so với quy định là 10%). Các con số khác không được công bố.
Ngày 12/10 tới, DongA Bank dự kiến tổ chức Ðại hội cổ đông bất thường thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để bổ sung vốn điều lệ, bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu. Trên thị trường đang xuất hiện thông tin khả năng DongA Bank sẽ “về chung nhà” với HDBank.
Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch sáp nhập DongA Bank, phía HDBank chưa có bình luận gì thêm về thương vụ này. Ðược biết, HDBank cũng đang trong quá trình hoàn tất việc sáp nhập thêm PGBank và dự kiến thương vụ sẽ kết thúc vào cuối năm 2019.
Thực tế, trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, đã không ít trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt vào diện này và nhiều ngân hàng đã hồi phục sau giai đoạn khó.
Chẳng hạn trường hợp của Eximbank, ngân hàng cổ phần đầu tiên của Việt Nam, đã có thời điểm ôm khối nợ xấu nhiều nghìn tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng dư nợ do liên quan đến một vụ án kinh tế.
Năm 1997, Eximbank thực sự rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước đã phải đưa người của Vietcombank vào để quản lý và hiện tại, hoạt động của Eximbank đã tích cực trở lại.
Nhiều ngân hàng khác cũng từng kinh qua một thời gian khó, sau đó hồi sinh và “sống khỏe” như VPBank (2002), Maritime Bank (2001, nay là MSB), thậm chí như Incombank, tiền thân của VietinBank, từng rơi vào tình trạng phá sản về mặt kỹ thuật, nay là 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống.
Tất nhiên, sau quá trình tái cơ cấu, có ngân hàng vượt qua được khó khăn, thì cũng có những cái tên đã biến mất như Ngân hàng Việt Hoa, Ngân hàng Nam Ðô, Ngân hàng Vũng Tàu, Ngân hàng Châu Á - Thái Bình Dương...
Trong giai đoạn cuối năm 2014 và nửa đầu năm 2015, đã có 4 ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và đều có sự hỗ trợ của ngân hàng lớn: Vietcombank hỗ trợ CBBank; VietinBank tham gia điều hành OceanBank và GPBank; BIDV hỗ trợ DongA Bank.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình Thủ tướng phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại Ocean Bank để sau đó chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, phương án cơ cấu lại CBBank, DongABank, GPBank đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, sau thời gian tái cơ cấu, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên “buông” các ngân hàng yếu kém để các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, có thể tham gia mua lại, qua đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các nhà băng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, giám sát đặc biệt một tổ chức tín dụng là việc đặt tổ chức tín dụng này dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm soát trực tiếp từ xa, kiểm tra tại chỗ của Ban kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Kiểm soát toàn diện là việc đặt tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm soát trực tiếp tại chỗ của Ban kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Việc công bố thông tin kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng được thực hiện thông qua một hoặc một số hình thức sau: Đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước; đăng trên báo trung ương hoặc địa phương nơi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đặt trụ sở chính ít nhất 3 số liên tiếp; công bố tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, hoặc Hội đồng thành viên, hoặc Đại hội thành viên của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt…