Năm 2015, sàn vàng HGI (Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội vàng) bị triệt phá, dư luận ngỡ ngàng khi nhận ra có hàng trăm nhà đầu tư đổ hàng trăm tỷ đồng kinh doanh vàng trái phép và ủy thác đầu tư. Theo con số thống kê được, có đến 482 khách hàng gửi tiền ủy thác đầu tư tại HGI, với số tiền hơn 169,3 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra kết luận, việc ký kết hợp đồng là tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc nên chưa đủ căn cứ cấu thành tội phạm hình sự. Bởi theo kết quả điều tra, HGI không sử dụng tiền gửi vào mục đích bất hợp pháp. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tách phần tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Bài học cũ chưa qua, bài học mới lại đến. Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Williams Việt Nam mới đây tiếp tục cảnh báo nhà đầu tư. Bất chấp việc Công ty không được cấp phép huy động tiền gửi của khách hàng bằng hình thức ký hợp đồng ủy thác góp vốn đầu tư kinh doanh, cựu Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Trịnh Anh Minh vẫn “vẽ” ra các dự án “trên giấy” hoành tráng để huy động vốn.
Đối tượng tung mức lãi suất cao ngất ngưởng từ 3,4 - 5,4%/tháng (trong thời điểm lãi suất ngân hàng khoảng 6-7%/năm), thu hút 541 khách hàng gửi hơn 795 tỷ đồng. Trong đó, người gửi nhiều nhất khoảng 50 tỷ đồng. Tại hợp đồng, đối tượng đưa ra nhiều nội dung “kích thích” khách hàng lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư khác, như tiền hoa hồng môi giới 2 - 4%. Đồng thời quy định 7 loại hợp đồng ủy thác đầu tư tạo ra 2 nhánh kết nối (2 kênh huy động tiền) gồm: nhánh thứ nhất là quyền lợi của khách hàng; nhánh thứ hai là lợi nhuận các thành viên dưới nhánh do đầu nhánh quyết định.
Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật Hoàng Sa, hoạt động ủy thác đầu tư được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Thông tư 30/2014/TT-NHNN. Theo đó, chỉ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán mới được quyền nhận ủy thác đầu tư từ các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp khác. DN không thuộc các tổ chức trên chỉ được nhận ủy thác nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Pháp luật đã có quy định cụ thể về những đối tượng được nhận quyền ủy thác đầu tư, nhưng thực tế, tồn tại nhiều DN không đáp ứng đủ điều kiện vẫn nhận tiền dưới hình thức huy động vốn, hợp đồng vay tiền lãi suất cao sử dụng vào các mục đích khác nhau như kinh doanh vàng ảo, tiền ảo, dự án ảo (phần lớn là những đối tượng cấm kinh doanh theo quy định pháp luật). Theo luật sư Giáp, việc ủy thác đầu tư thông qua hình thức vay lãi suất cao, huy động vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Thiên Thanh) nhìn nhận, các hoạt động ủy thác ở DN vô cùng lỏng lẻo. Khi cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ, rủi ro về pháp lý là điều khó tránh khỏi và bên ủy thác sẽ gặp nhiều bất lợi, thua thiệt vì pháp luật chưa có quy định bảo vệ họ trong các quan hệ này. Mặt khác, nếu rủi ro tài chính xảy ra, khả năng bên ủy thác có thể mất trắng khoản tiền là rất cao vì doanh nghiệp (bên nhận ủy thác) rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phá sản.
Theo luật sư, các rủi ro trên xuất phát từ việc bên nhận ủy thác sử dụng vốn sai mục đích, thiếu hiệu quả, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Giáp nhấn mạnh, những người tham gia đầu tư cần tìm hiểu kỹ bên nhận ủy thác, bao gồm việc: DN đã được được cấp giấy phép chưa; năng lực tài chính, dự án có khả thi và sinh lời như quảng bá. Nếu DN không có chức năng hoạt động ủy thác đầu tư mà vẫn tiến hành nhận ủy thác thì những giao dịch này có thể được xem là vô hiệu và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Nhà đầu tư cần thiết phải nghi ngờ về tính hợp pháp của giao dịch bất thường như cam kết siêu lợi nhuận, lãi suất cao”, luật sư Giáp nói.