Việc dừng nhận hồ sơ cho vay vào đúng thời điểm cuối năm, khi nhu cầu mua nhà tăng cao, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho khá nhiều người.
Sự lo lắng của họ liên quan đến việc phải chăng các ngân hàng thương mại đang thực hiện chủ trương “siết vốn” vào thị trường bất động sản theo chỉ thị từ Ngân hàng Nhà nước? Đặc biệt là sau khi Chính phủ ban ngành Nghị quyết 01/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, bất ngờ đưa bất động sản vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần được quản lý và giám sát một cách chặt chẽ.
Nếu điều đó là thật, thì nhiều khả năng sẽ rất nhiều dự án rơi vào “thế kẹt”.
Có nhiều lý do để hiểu điều này.
Thứ nhất, ai cũng hiểu đa phần các dự án bất động sản hiện nay được thực hiện dựa vào nguồn vốn vay, đồng thời có thực hiện bảo lãnh của ngân hàng. Nếu ngân hàng thắt chặt từ phía người mua nhà, họ sẽ chậm nộp tiền, dự án không có vốn đối ứng tiếp tục triển khai, “chậm tiến độ” và sẽ thành dự án “treo”.
Thứ hai, liệu sau “siết” người cho vay, các ngân hàng có "siết" chủ đầu tư? Nếu có, nhiều doanh nghiệp “trót dại” đầu tư cùng lúc nhiều dự án có khả năng sẽ "hết cửa”, vì không thể vay thêm hàng trăm tỷ để làm. Cố bán, hay chuyển nhượng dự án thu hồi vốn cũng khó, vì không phải chủ đầu tư nào cũng sẵn tiền để mua lại. Chưa kể, nhiều dự án quảng cáo rầm rộ trong khi tiềm năng thì không có nhiều.
Thực tế, ngay sau khi Nghị quyết 01 được ban hành, nhiều chủ đầu tư cũng than thở với người viết rằng, kinh doanh cần nhất là vốn, giờ vốn mà bị thu hẹp, không huy động được, thì cũng không khác gì người đi “câu” mà không có “lưỡi câu”.
Sự lo lắng của các chủ đầu tư là điều dễ hiểu, bởi bài học lịch sử vẫn còn. Giai đoạn cuối năm 2010, đầu năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13/2010 siết dòng vốn tín dụng vào bất động sản, thị trường địa ốc đã bị “đông cứng” trong 2 năm sau đó.
Tuy nhiên, động thái lần này của Chính phủ cần phải nhìn ở góc độ tích cực hơn.
Giai đoạn trước, thị trường đang thể hiện những dấu hiệu “bong bóng thực sự”, đầu cơ lũng đoạn thị trường, khiến giá tăng theo từng ngày, thậm chí là theo giờ. Việc siết vốn nhằm hạn chế dòng tiền “đầu cơ” vào thị trường và để quả bóng tự xì hơi, tránh đổ vỡ dây chuyền.
Còn hiện tại, dù sôi động, nhưng giá nhà đất gần như duy trì ổn định trong suốt năm vừa qua, cho thấy dòng tiền thực vào thị trường với nhu cầu mua để ở. Động thái “siết vốn” chỉ mang tính chất tạm thời, để rà soát thủ tục thực hiện quy định cho vay theo Nghị định 99 về giao dịch đảm bảo đối với tài sản hình thành trong tương lai, ngay sau đó, các ngân hàng có lẽ sẽ thực hiện cho vay trở lại bình thường.
Thêm vào đó, thị trường bất động sản phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô. Thị trường địa ốc sẽ không thể phát triển nếu kinh tế vĩ mô bất ổn. Động thái cảnh báo từ Nghị định 01, hay việc chủ động rà soát lại hoạt động cho vay tín dụng bất động sản của các ngân hàng là cần thiết, khi thị trường bất động sản dù đã bước vào chu kỳ phát triển mới, bền vững hơn, nhưng cũng đã bắt đầu có biểu hiện của sự “lệch pha” khi các doanh nghiệp đang ồ ạt triển khai dự án bất động sản cao cấp.
Do đó, việc Nghị quyết 01/2016 đưa ra cảnh báo về tín dụng bất động sản là điều cần thiết, giúp giảm bớt rủi ro đầu cơ và hạn chế “nợ xấu” ngân hàng. Đây chính là động thái lo xa để tránh buồn gần của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Bởi sự đổ vỡ của thị trường bất động sản không chỉ liên quan đến mấy nghìn doanh nghiệp địa ốc, mấy chục nghìn nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế vĩ mô. Và bài học quá khứ vẫn còn nóng hổi.
Với diễn biến thị trường hiện nay, dù tín dụng địa ốc có bị hạn chế, thì với những người mua nhà có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý và chứng minh được nhu cầu và khả năng về tài chính, thì không sợ ngân hàng “thắt chặt” hầu bao.
Còn về phía chủ đầu tư, nếu dự án đủ pháp lý, vị trí đắc địa thì cũng không phải quá lo lắng về việc dự án sẽ “đói vốn” để triển khai theo đúng cam kết với khách hàng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com