Lãi suất USD tiếp tục tăng
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell tuy không đưa ra mức tăng lãi suất USD cụ thể, nhưng khẳng định tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát Mỹ đang ở mức 8-9%. Tuy nhiên, kết quả khảo sát các chuyên gia kinh tế của Reuters cho thấy, Fed có thể nâng lãi suất thêm 50 - 75 điểm cơ bản, trong bối cảnh triển vọng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh và lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng.
Ở diễn biến mới nhất, một loạt quan chức Fed đưa ra tín hiệu rằng, ngân hàng trung ương này khó có khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất, do lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua. 61% nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, dù hầu hết vẫn đang chờ đợi những tín hiệu từ Fed. Điều này đã tác động tích cực lên sức khỏe của USD khi tăng lên trên 109 điểm.
Ngoài tác động từ lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, yếu tố ảnh hưởng lớn đến USD trên thị trường quốc tế gần đây có lẽ còn đến từ các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu, thúc đẩy giới đầu tư nhảy vào USD như một tài sản an toàn. Cụ thể, sau gần 3 năm rút quân khỏi Syria, hôm 23/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ hạ lệnh không kích các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Syria để bảo vệ lực lượng của Mỹ.
USD trên thế giới tăng, thì cung cầu ngoại tệ trong nước cũng có dấu hiệu mất cân bằng khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ra ngoại tệ để ổn định tâm lý thị trường.
Tỷ giá có chịu nổi sức ép?
Đà tăng trở lại của USD trên thị trường quốc tế rõ ràng đã có phần ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến tỷ giá trong nước. Chỉ số USD Index sau khi điều chỉnh giảm trong nửa cuối tháng 7 và gần nửa đầu tháng 8/2022, nay đã tăng 4%. Đây là đỉnh cao mà chỉ số này đạt được từ đầu năm đến nay và cũng là vùng giao dịch cao nhất ghi nhận được trong hơn hai thập niên trở lại đây.
Thế nhưng, trong khi hầu hết các đồng tiền khác giảm giá mạnh so với USD (tính từ đầu năm đến nay, EUR mất giá hơn 12% so với USD), thì VND mất giá không đáng kể so với USD, phần lớn nhờ các chính sách quản lý, biện pháp hỗ trợ, can thiệp của nhà điều hành. Tỷ giá trung tâm đến sáng 29/8 ở mức 23.211 đồng/USD, chỉ tăng 88 đồng, tương ứng tăng chưa tới 1% so với đầu năm nay. Nhưng so với đầu năm nay, giá giao dịch USD tại các ngân hàng đã tăng đến 3%.
Điều này cũng khiến hàng hóa xuất khẩu trong nước giảm bớt lợi thế cạnh tranh so với các nước khác. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2022, xuất khẩu đạt 15,13 tỷ USD, giảm khoảng 7% so với nửa cuối tháng 7; nhập khẩu đạt 15,24 tỷ USD, tăng 7,8% so với nửa cuối tháng trước. Như vậy, cán cân thương mại thâm hụt hơn 100 triệu USD, dù tính chung từ đầu năm đến ngày 15/8/2022, cả nước vẫn xuất siêu 1,39 tỷ USD.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, số liệu thống kê cho thấy, tổng vốn đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022 đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân thực tế tại Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 12,8 tỷ USD, vẫn tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, phần nào giúp cân bằng lại cung cầu ngoại tệ trong nước.
Về hoạt động du lịch, 8 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,44 triệu lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch. Hoạt động du lịch dần hồi phục cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung ngoại tệ, góp phần giảm bớt sức ép lên tỷ giá.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam khó tránh khỏi những tác động từ việc các nước phát triển thắt chặt tiền tệ, trong đó có Mỹ. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các kịch bản đối phó với xu hướng Fed tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2022, bởi lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa của nước ngoài.