Ngành dệt may đang lo thiếu nguyên liệu sản xuất vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Lo gián đoạn sản xuất
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều ngành sản xuất có tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn từ Trung Quốc “đứng ngồi không yên” lo hết nguyên liệu cho sản xuất, trong đó đặc biệt là ngành dệt may.
“Chúng tôi đang cố gắng cầm cự qua ngày 23-25/2, nếu sau đó các nhà xưởng sản xuất tại Trung Quốc hoạt động trở lại, mới có thông tin về nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào”, Giám đốc một công ty chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu đi châu Âu, có nhà máy tại Mỹ Hào (Hưng Yên) cho biết.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói thêm, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc. Trong khi, nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu tại đây chưa hoạt động trở lại, đặc biệt Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn, nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao.
Trung Quốc hiện cung cấp nguyên vật liệu cho nhiều quốc gia để sản xuất hàng hóa và cũng là nơi tiêu thụ lượng hàng hóa lớn, nên kể cả có chuyển hướng thị trường cũng khó để các nhà sản xuất có được giải pháp ưu việt nhất. Với ngành dệt may của Việt Nam, Trung Quốc đóng vai trò cung cấp nguồn đầu vào rất lớn, đồng thời là nơi nhập khẩu lớn hàng dệt may, giày dép của Việt Nam... Năm 2019, Trung Quốc nhập hơn 2 tỷ USD xơ sợi và gần 2 tỷ USD giày dép, túi xách từ Việt Nam.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong bức tranh chung do tác động của dịch Covid-19, ngành da giày cũng bị ảnh hưởng lớn. Khảo sát sơ bộ cho thấy, nguyên liệu trong kho của các doanh nghiệp chỉ đáp ứng sản xuất một thời gian ngắn nữa. Nếu Trung Quốc không mở cửa thì hệ lụy dây chuyền đến ngành là không tránh khỏi.
“Hiện các doanh nghiệp đã tìm hướng thay thế, nhưng chỉ đáp ứng được một phần. Như đối với mặt hàng da thuộc, các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn hàng tại Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, song nguyên liệu giả da và nhiều nguyên phụ liệu khác vẫn phải nhập từ thị trường Trung Quốc. Các giải pháp của doanh nghiệp chỉ mang tính chất ứng phó trong ngắn hạn”, bà Xuân nói.
Với ngành công nghiệp điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam thông tin, lượng linh kiện trong kho của các doanh nghiệp sản xuất gần hết, trong khi đó, các lô hàng đặt mới đang tắc ở khâu thông quan tại cửa khẩu đường bộ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng.
Không chỉ khó với các doanh nghiệp Việt Nam, do Trung Quốc nằm ở vị trí khởi đầu và kết thúc của chuỗi cung ứng, nên ngay cả các “ông lớn” cũng không nằm ngoài tác động dây chuyền do chuỗi cung ứng bị đình trệ. Tại Hàn Quốc, Huyndai buộc phải đóng cửa các nhà máy lắp ráp phụ tùng ô tô do thiếu nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc. Còn Fiat Chrysler cho biết, một nhà máy tại châu Âu của Hãng đang có nguy cơ bị thiếu các bộ phận linh kiện của Trung Quốc trong tháng tới.
Tìm thị trường mới
Việt Nam có 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi và phát huy tác dụng đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu. Dù vậy, để chuyển hướng xuất nhập khẩu sang các thị trường có FTA nhằm giảm thiểu áp lực nguồn cung từ Trung Quốc, nếu có thực hiện được cũng chỉ giải quyết được một phần vấn đề mà các ngành đang phải đối mặt.
“Quan trọng nhất vẫn là giá cả và thời gian vận chuyển ra sao”, ông Trần Xuân Việt, Phó giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu Công ty Thương mại Xuân Bách, chuyên nhập khẩu nguyên liệu cho ngành bao bì tại Bình Dương cho hay.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng cho rằng, không phải loại nguyên liệu nào cũng có thể chuyển hướng sang thị trường mới, kể cả khi chấp nhận giá cao hơn.
Dù vậy, các doanh nghiệp đều xác định, nếu không chuyển động, không thích ứng thì doanh nghiệp sẽ bị gián đoạn sản xuất và sẽ bị phụ thuộc dài dài. Bởi thế, việc tích cực tìm kiếm nguồn cung mới thay thế vẫn đang được các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiến hành.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân, dịch Covid-19 đã đưa ra bài học cho các doanh nghiệp, ngành hàng là không ngồi chờ giải cứu, chờ hỗ trợ, mà phải chủ động ứng phó. Nhiều doanh nghiệp đang lệ thuộc nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhân lúc này cần tìm những nguồn cung khác để có thể tự chủ sản xuất trong nhiều tình huống.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt có sản phẩm tương đồng với doanh nghiệp Trung Quốc, lúc này có thể bung ra tìm thị trường mới, lấp vào chỗ trống trong chuỗi cung ứng sản phẩm mà doanh nghiệp Trung Quốc để lại do không thể duy trì sản xuất vì dịch bệnh.