Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng mạnh nhất thế giới trong những năm gần đây. Rất nhiều người trong số họ không có nghề nghiệp ổn định, nhưng có cuộc sống rất sung túc, sở hữu tài sản đắt tiền, sử dụng hàng hóa, dịch vụ xa xỉ. Điều đó cho thấy, quy mô NOE rất lớn. Bà có nghĩ như vậy không?
Những người có thu nhập cao, thậm chí rất cao, sở hữu siêu xe, “biệt thự triệu đô”, tài sản đắt tiền, dù không có nghề nghiệp ổn định, nhưng chắc chắn họ phải làm việc mới có thu nhập. Vấn đề là những người này làm việc hợp pháp hay bất hợp pháp, hay hoạt động kinh tế ngầm. Đối với hoạt động bất hợp pháp, thì chưa được tính vào GDP, nhưng một phần trong hoạt động kinh tế ngầm đã được tính vào GDP.
Kinh tế ngầm là hoạt động hợp pháp, nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội. Ví dụ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật của giới ca sỹ, showbiz, người mẫu… là hoạt động hợp pháp, nhưng một số người cố tình che giấu một phần thu nhập nhằm trốn thuế.
Hay như kinh doanh trên mạng, trò chơi trực tuyến, cung cấp dịch vụ qua biên giới và nhiều hoạt động kinh doanh khác phát triển cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng hiện tại chưa có cơ chế, chính sách để thu thuế đối với hoạt động này, nên chưa tính hết được giá trị tăng thêm của lĩnh vực mới phát sinh này vào GDP.
Năm 2020, Tổng cục Thống kê mới thực hiện thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để tính vào GDP, nên chưa thể võ đoán đưa ra nhận định rằng, NOE hiện nay rất lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quy mô NOE của Việt Nam vào khoảng 25-30%. Còn một báo cáo của Đại học Harvard mới đây tính toán, quy mô NOE của Việt Nam lên đến 28-30% GDP?
Tôi không rõ các chuyên gia kinh tế dựa vào đâu để đưa con số quy mô NOE của Việt Nam lên đến 25-30% GDP và tôi cũng chưa có dịp nghiên cứu kỹ báo cáo của Đại học Harvard để xem thành tố kinh tế chưa được quan sát gồm những gì.
Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ của hộ gia đình, cá nhân hay hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân không đăng ký kinh doanh được coi là NOE. Còn ở Việt Nam, có hàng triệu hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ, nhưng không mấy người làm các thủ tục đăng ký kinh doanh; hàng chục triệu hộ sản xuất nông nghiệp cũng không đăng ký kinh doanh. Dù cơ quan thống kê đã thống kê hoạt động của đối tượng này để đưa vào quy mô của nền kinh tế, nhưng chưa đầy đủ, chưa sát thực tế.
Nếu Báo cáo của Đại học Harvard coi cả hoạt động kinh tế của hộ gia đình, cá nhân không có đăng ký kinh doanh là NOE, thì quy mô của khu vực này, theo tôi, chắc phải cao hơn con số 28-30%.
Dù sao thì báo cáo của Đại học Harvard cũng rất đáng suy nghĩ khi Việt Nam thống kê NOE kể từ năm 2020, thưa bà?
Tỷ lệ NOE so với GDP của các nước rất khác nhau. Nguyên nhân là cấu trúc nền kinh tế, hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý, nhận thức và ý thức của các chủ thể tham gia sản xuất - kinh doanh có sự khác biệt nhất định; phương pháp tiếp cận đo lường không giống nhau…
Vì vậy, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, kể cả báo cáo của Đại học Harvard chỉ mang tính tham khảo và bổ sung vào kinh nghiệm thực tế, không vận dụng một cách máy móc khi tính NOE của Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam không thể học tập kinh nghiệm của một số nước là tính cả hoạt động mại dâm vào GDP vì phong tục tập quán, truyền thống đạo lý của người Việt không chấp nhận mại dâm.
Ngay cả khu vực kinh tế quan sát được vẫn còn bị bỏ sót, vì trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp có tới 3 hệ thống sổ sách kế toán. Thưa bà, liệu có quá tham vọng khi thống kê cả NOE?
Tình trạng doanh nghiệp khai lãi giả - lỗ thật, lãi thật - lỗ giả không chỉ xảy ra ở khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xảy ra ở cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước. Đây là hoạt động gian lận thuế, né thuế, trốn thuế, nhằm giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Xử lý tình trạng gian lận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, không phải là trách nhiệm của cơ quan thống kê. Khi đi điều tra, khảo sát, cơ sở sản xuất, kinh doanh có doanh thu 100 tỷ đồng, chi phí 50 tỷ đồng, nhưng họ báo cáo doanh thu 70 tỷ đồng, chi phí 60 tỷ đồng, thì chúng tôi ghi nhận báo cáo của họ, còn việc tìm ra doanh thu thực, chi phí thực, lãi thực là trách nhiệm của cơ quan khác.
Khi triển khai Đề án thống kê NOE, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành kiến nghị hoàn thiện môi trường pháp lý, đưa ra chế tài xử phạt đối với việc khai báo không trung thực; phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan, đặc biệt là thuế, tài chính, hải quan, ngân hàng để làm thế nào có được số liệu xác thực nhất... Còn bản thân ngành thống kê phải nâng cao chất lượng thu thập thông tin.
Thống kê NOE đã được rất nhiều nước trên thế giới thực hiện từ rất lâu. Tại Việt Nam, Đề án NOE cũng đã được nghiên cứu từ lâu và năm 2020 là thời điểm chín muồi để triển khai, nên không có gì là tham vọng. Ngay từ khi được Thủ tướng giao nhiệm vụ thống kê NOE, chúng tôi đã phối hợp với 16 bộ, ngành để rà soát, xem xét xem hoạt động nào khả thi để tính vào GDP thì thực hiện, còn hoạt động nào chưa làm được như hoạt động phi pháp thì phải có lộ trình, trước mắt phải hoàn thiện cơ chế, chính sách buộc hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp lộ diện.
Thống kê NOE khiến nhiều người lo ngại rằng, khi quản lý được, Nhà nước sẽ thu thuế cả với những người buôn bán vỉa hè, chạy xe ôm, giúp việc gia đình…?
Về mặt lý luận, tất cả các đơn vị, cá thể tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, đóng góp cho xã hội. Nhưng thống kê NOE không phải nhằm thu thuế với những người có thu nhập thấp, mà mục tiêu chính là góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.
Ví dụ như hàng triệu hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh hiện tại thuộc khu vực NOE, sau khi có thống kê, chúng tôi có những gợi ý về mặt chính sách khuyến khích hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thành lập doanh nghiệp để trở thành khu vực kinh tế được quan sát.