Ukraine luôn tuyên bố Nga đã can thiệp quân sự vào đất nước này và là lý do giúp quân ly khai bất ngờ lớn mạnh. Trong một tuyên bố mới nhất, Ukraine cho biết đã đụng độ với một nhóm trinh sát đến từ bán đảo Crime, đã được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 vừa qua. Ukraine lo ngại Nga có thể đang lên kịch bản cho những đợt tấn công từ bán đảo nằm bên bờ Biển Đen, sau khi Kiev cáo buộc quân đội Nga đã chiếm đóng phần lãnh thổ dọc biên giới miền Đông Ukraine với chiều dài lên tới 450 km.
Trong khi đó, theo thông tin mới nhất từ truyền thông phương Tây, hơn 100 lính Nga đã thiệt mạng ở miền Đông Ukraine và hơn 300 người bị thương hôm 13/8 khi giúp đỡ lực lượng ly khai thân Nga chiến đấu với quân đội Ukraine.
Mỹ cũng cáo buộc Nga tham gia chiến sự tại miền Đông Ukraine và cho biết, sẽ tăng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhưng Tống thống Obama loại trừ khả năng sử dụng quân sự với Matxcơva.
Với những lo ngại gia tăng về tình hình Ukraine và mâu thuẫn tăng lên giữa Nga và Mỹ, khiến phố Wall quay đầu giảm điểm. S&P 500 cũng không còn giữ được mốc điểm 2.000. Dù vậy, những dữ liệu kinh tế khả quan như GDP quý II tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm tuần thứ 2 liên tiếp đã giúp đà giảm của phố Wall không quá mạnh.
Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Dow Jones giảm 42,44 điểm (-0,25%), xuống 17.079,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,38 điểm (-0,17%), xuống 1.996,74 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 11,93 điểm (-0,26%), xuống 4.557,69 điểm.
Không nhận được sự hỗ trợ như phố Wall, chứng khoán châu Âu giảm điểm mạnh hơn trong phiên thứ Năm, đặc biệt là chứng khoán Đức, vốn có nhiều công ty làm ăn với Nga. Trong khi đó, theo nguồn tin của Reuters hôm thứ Tư, ECB dường như sẽ không đưa ra gói kích thích kinh tế như kỳ vọng của giới đầu tư, trừ khi lạm phát của khu vực eurozone về gần với mức giảm phát.
Thông tin mới nhất được công bố, tỷ lệ lạm phát của Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khối trong tháng 8 là 0,8%, đúng như dự báo trước đó.
Kết thúc phiên 28/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 24,86 điểm (-0,36%), xuống 6.805,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 107,15 điểm (-1,12%), xuống 9.462,56 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 29,22 điểm (-0,66%), xuống 4.366,04 điểm.
Những căng thẳng ở Ukraine cũng ảnh hưởng đến chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc giảm trở lại trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục chìm trong sắc đỏ với biên độ ngày càng rộng hơn.
Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 74,96 điểm (-0,48%), xuống 15.459,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 177,75 điểm (-0,71%), xuống 24.741,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 13,65 điểm (-0,62%), xuống 2.195,82 điểm.
Trong khi tình hình Ukraine khiến chứng khoán đồng loạt giảm điểm, thì đây lại là những thông tin hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Vai trò trú ẩn an toàn của vàng đang tăng lên với các thông tin không tích cực từ cuộc xung đột Ukraine, giúp giá kim loại quý này có phiên tăng thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên 28/8, giá vàng giao ngay tăng 6,5 USD (+0,51%), lên 1.289,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 7 USD (+0,55%), lên 1.290,4 USD/ounce.
Giá dầu thô lại có sự trái chiều. Trong khi giá dầu thô Mỹ tăng mạnh, thì giá dầu thô Brent lại quay đầu giảm giá chỉ sau 1 phiên hồi nhẹ.
Kết thúc phiên 28/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,67 USD (+0,71%), lên 94,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,26 USD (-0,25%), xuống 102,46 USD/thùng.