Lo ngại vì quy định thanh tra môi trường quá mơ hồ

Nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội kỳ vọng rằng, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi) sẽ có quy định rõ ràng về thanh tra hoạt động môi trường của doanh nghiệp, nhằm bảo vệ môi trường.
Lo ngại vì quy định thanh tra môi trường quá mơ hồ

Nhưng dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) mới nhất chỉ có đúng 1 điều (Điều 170) nói về thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Điều 170 này lại quy định rất chung chung, đó là “Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước”, “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phải có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng và an ninh”, và “Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh”.

So với các dự thảo trước thì quy định này rất mơ hồ. Thậm chí, các dự thảo trước còn quy định rõ số lần kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường nhiều nhất là 2 lần trong năm đối với một dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tập trung, trừ trường hợp bị khiếu nại, tố cáo vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Quy định về tần suất thanh tra BVMT cũng được Luật BVMT hiện hành, ban hành năm 2005, quy định. Ngoài ra, Luật BVMT năm 2005 có đến 2 điều quy định khá chi tiết về thanh tra môi trường, và định rõ thẩm quyền thanh tra của các cơ quan chức năng đối với từng loại dự án và quy mô dự án.

Cũng theo luật hiện hành, thanh tra bảo vệ môi trường cấp tỉnh kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các dự án thuộc thẩm quyền kiểm tra, thanh tra của Bộ TNMT trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đại biểu quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng, Luật BVMT (sửa đổi) cần quy định, việc thanh tra môi trường đối với doanh nghiệp cần được tiến hành không báo trước với ít nhất là 2 lần/năm. “Các quy định thanh tra môi trường hiện nay là quá lỏng lẻo và không đủ sức răn đe”, bà Trang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) cho rằng, việc thanh tra môi trường 2 lần/năm là vẫn còn ít, sẽ không thể thay đổi được tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.

Theo ông Phụng, hiện nay trước khi tiến hành thanh tra, doanh nghiệp thường được báo trước. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể chuẩn bị và đối phó các đoàn thanh tra và che giấu vi phạm dễ dàng.

Cùng quan điểm với ông Phụng, luật sư Vũ Thị Duyên Thủy, người hiện đang tham gia vào một dự án góp ý kiến vào Luật BVMT (sửa đổi) của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng cho rằng, trong một số trường hợp, quy định này gây khó khăn cho việc phát hiện hành vi vi phạm. Do được thông báo trước, đối tượng thanh tra có đủ thời gian, điều kiện đối phó như: tạm ngừng hoạt động sản xuất; vận hành công trình xử lý chất thải tại thời điểm kiểm tra, vận chuyển toàn bộ chất thải đang lưu giữ trái quy định, xả chất thải vào ban đêm, ngoài giờ hành chính…

Theo bà Thủy, với mức độ ngày càng tinh vi của các chủ thể vi phạm khi thực hiện hành vi, việc phát hiện không qua kiểm tra, thanh tra đối với những hành vi này là điều rất khó. Hệ quả là, nếu thanh tra định kỳ thì họ đã có thời gian để che giấu hành vi vi phạm. Nếu thanh tra đột xuất thì có thể xử lý được hành vi vi phạm nhưng lại không được thanh tra quá 2 lần trong một năm (cho cả hai hình thức thanh tra).

“Quy định này dẫn đến tình trạng, khi đã đủ hai lần bị thanh tra, doanh nghiệp có thể ‘qua mặt’ cơ quan thanh tra bằng cách thực hiện hành vi vi phạm pháp luật một cách tinh xảo hơn. Trong trường hợp này, nếu có nghi ngờ, cơ quan thanh tra cũng không thể tiếp tục thanh tra và xử lý vì ‘dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường’ - căn cứ cho việc tiến hành thanh tra từ lần thứ ba trở đi – là dấu hiệu không dễ xác định, nếu không kiểm tra trực tiếp hoạt động bên trong doanh nghiệp”, bà Thủy phân tích.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhấn mạnh rằng, hiện tượng kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan liên quan với cùng một đối tượng kiểm tra vẫn còn tồn tại. Đó là việc cả Bộ TNMT, cơ quan công an, Bộ Công thương đều có quyền kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Vì vậy, trên thực tế, có doanh nghiệp cùng một thời gian phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra thuộc nhiều cơ quan khác nhau, tác hưởng bất lợi tới hoạt động của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan