Lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, chuyển tải một phần vào giá cả tại Việt Nam.

Lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, chuyển tải một phần vào giá cả tại Việt Nam.

Lo ngại sức ép lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lo ngại về lạm phát gia tăng trong bối cảnh Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát và một lượng tiền lớn dự kiến sẽ được đưa ra lưu thông thông qua gói kích cầu.

Lạm phát toàn cầu đang ở mức cao

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội ngày 12/11/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, lạm phát năm 2021 có khả năng được kiềm chế dưới mức 4% như mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhận định, lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, chuyển tải một phần vào giá cả tại Việt Nam, gọi là nhập khẩu lạm phát. Ngoài ra, vấn đề nội tại của Việt Nam là sang năm phải chi tiêu nhiều hơn để phục hồi kinh tế, lượng tiền rất lớn được đưa ra lưu thông cũng gây nên lạm phát.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn do đại dịch Covid-19 khiến chính phủ các nước này bơm tiền mạnh mẽ để kích cầu; cuộc khủng hoảng năng lượng, nguy cơ các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất khiến đồng Việt Nam tăng giá… là một số nguyên nhân gây nên áp lực lạm phát ở Việt Nam.

Theo ông Thành, một chiến lược phục hồi đúng đắn ở thời điểm hiện tại cần sự kết hợp giữa chính sách tài khóa nghịch chu kỳ (chấp nhận thâm hụt tài khóa khi suy giảm kinh tế và tăng tiết kiệm khi có thặng dư tài khóa) với chính sách tiền tệ tích cực, thận trọng, có tính đến lạm phát kỳ vọng.

Quý IV/2021, tình hình kinh tế có thể xuất hiện một số rủi ro mới. Trung Quốc đang chịu khủng hoảng năng lượng, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ nước này, chiếm 33,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến sự luân chuyển hàng hóa và khiến GDP tăng trưởng chậm lại 0,1 - 0,2%. Dự báo, lạm phát bình quân nếu không kiểm soát tốt có thể tăng 3,5 - 3,8%.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Bà Hoàng Thị Minh Huyền, chuyên gia kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nêu quan điểm, áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong năm 2022. Hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nhiều nước lớn trên thế giới có mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây như Mỹ tăng 6,2%, Anh tăng 4,2%, khu vực châu Âu tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với một quốc gia có nền kinh tế mở như Việt Nam (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP), khi kinh tế mở cửa hoàn toàn trở lại trong năm 2022, áp lực tăng giá của các loại hàng hoá trên thị trường thế giới đối với chỉ số CPI của Việt Nam sẽ rất lớn. Thêm vào đó, mức nền CPI thấp trong năm 2021 (10 tháng đầu năm tăng 1,81%, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây) cũng là yếu tố khiến chỉ số chịu áp lực tăng.

Tuy vậy, chuyên gia của BVSC vẫn dự báo lạc quan về lạm phát khi đưa ra con số dưới 4% cho năm 2022 khi nhiều nước thực hiện kiểm soát lạm phát, nới lỏng nguồn cung dầu thô, những mặt hàng trong nước được dự báo tăng giá nhiều trong năm tới như văn hoá, giải trí, du lịch, vé tàu xe, giáo dục, may mặc… chỉ chiếm 26% trong rổ tính CPI.

Lãi suất cho vay có thể sẽ tăng

Theo tính toán của các chuyên gia BVSC, trong năm 2021, lạm phát thấp đã hỗ trợ cho ngành ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, từ đó tạo ra xu hướng tích cực chung cho các doanh nghiệp, cho hoạt động đầu tư.

Sang năm 2022, áp lực lạm phát có thể khiến lãi suất tăng. Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng dần lãi suất điều hành, khi các doanh nghiệp vận hành ổn định trở lại và nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn vào nửa sau năm 2022.

Một điểm sáng cho các doanh nghiệp là Bộ Tài chính đang xây dựng gói cấp bù lãi suất 4%/năm, quy mô 20.000 tỷ đồng/năm cho hai năm 2022 - 2023. Gói cấp bù lãi suất này sẽ tiếp tục giúp doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay, tăng thêm nguồn vốn để phục hồi sản xuất.

Ông Bình nhận định, lạm phát tăng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng một số biện pháp để rút tiền về. Đầu tiên là nâng lãi suất điều hành, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng thương mại sẽ có ít tiền hơn để cho doanh nghiệp vay, lãi suất cho vay cũng tăng lên và làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, quy mô tín dụng nhiều khả năng gia tăng, do đó, từ nay đến cuối năm 2021, lãi suất cho vay có thể đi ngang, nhưng chậm nhất đến đầu quý II/2022 sẽ tăng trở lại.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái sẽ tăng lãi suất cơ bản, nhưng một số ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng lãi suất huy động. Các ngân hàng dự trù tình trạng “căng” nguồn vốn vào quý I/2022 nên buộc phải tăng lãi suất huy động để chủ động nguồn cho vay.

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Trong bối cảnh rủi ro lạm phát tăng, bà Huyền dự báo, một số kênh đầu tư như vàng và bất động sản sẽ thu hút nhà đầu tư để bảo toàn giá trị tài sản, thay vì nắm giữ tiền mặt.

Kênh đầu tư chứng khoán sẽ kém hấp dẫn hơn, do đó, nhà đầu tư nên tập trung lựa chọn cổ phiếu của các nhóm có tỷ suất sinh lời cao như bất động sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gỗ nội thất xuất khẩu, bảo hiểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản được hưởng lợi khi các sản phẩm ngành này được nhà đầu tư hướng tới để bảo toàn giá trị tài sản. Đầu tư hạ tầng được thúc đẩy sẽ giúp các doanh nghiệp có quỹ đất gia tăng giá trị đối với nhà đầu tư. Nhóm bảo hiểm có danh mục trái phiếu và tiền gửi ngân hàng lớn, mỗi mức tăng lên của lợi suất trái phiếu và lãi suất tiền gửi đều dẫn đến lợi nhuận kỳ vọng cao hơn…

Ông Minh nêu quan điểm, năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn sẽ tốt, dù dòng tiền có khả năng phân hóa cao khi bắt đầu quay lại hoạt động sản xuất và kênh tiết kiệm (nếu lãi suất tăng).

“Tiền chảy vào kênh chứng khoán có thể giảm, chứng khoán bớt nóng, nhưng đây vẫn sẽ là kênh đầu tư sinh lời tốt, trong bối cảnh lãi suất chưa thể tăng cao, vì sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục hẳn”, ông Minh nói.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư chứng khoán nhiều khả năng sẽ có xu hướng tìm kiếm sự an toàn ở những cổ phiếu chứa đựng câu chuyện cơ bản như dòng bluechips, dòng vốn hóa trung bình có nền tảng vững chắc, thay vì “lướt sóng” các mã “hàng nóng” như thời gian qua. Ngoài chứng khoán, nhà đầu tư nên giải ngân một phần vào kênh tiết kiệm và trái phiếu để có lợi nhuận ổn định.

Dưới góc nhìn lạc quan về lạm phát, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội nhận định, trong nguy có cơ, lạm phát sẽ tạo ra một nhóm cổ phiếu tốt để nhà đầu tư sàng lọc. Đây cũng là cơ hội định giá lại cổ phiếu khi nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường.

“Giai đoạn thị trường chứng khoán 2008 - 2011, cổ phiếu VCB rơi xuống mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Đợt khủng hoảng thứ hai, khi dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, cổ phiếu SSI về 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu, HPG về 17.000 đồng/cổ phiếu… Nhưng sau đó, đơn vị nào tái cấu trúc đầu tiên sẽ có tăng trưởng đầu tiên. Tôi nhắc đến dấu mốc này để thấy những doanh nghiệp lớn có sự chống chịu tốt với khủng hoảng và nhà đầu tư cần tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu như vậy”, ông Tiến nhấn mạnh.

Tin bài liên quan