Lo ngại khủng hoảng năng lượng là có cơ sở?

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) khẳng định, những lo ngại về khủng hoảng năng lượng tại Việt Nam là không có cơ sở, bởi Việt Nam có đủ điện và có đủ nguồn điện dự phòng cho sản xuất từ nay tới năm 2020.
Lo ngại khủng hoảng năng lượng là có cơ sở?

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF) diễn ra mới đây, có tới 65% doanh nghiệp lo ngại nguồn cung điện bất ổn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất lo ngại sẽ có khủng hoảng năng lượng vào năm 2018. Theo ông, liệu có xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng như lo ngại của các nhà đầu tư?

Không kể việc thiếu điện cục bộ tại một số địa phương thì 3 năm gần đây, chúng ta không những đủ, mà còn có 20% lượng điện dự phòng. Hệ thống điện quốc gia hiện có tổng công suất 34.000 MW, sản xuất điện hàng năm đạt 140 tỷ kWh.

Quy hoạch ngành điện đang bám theo sơ đồ quy hoạch điện VII, Chính phủ đang giao Bộ Công thương tiếp tục hiệu chỉnh để đạt mục tiêu như mong muốn.

Trên thực tế, tại miền Nam, một loạt dự án điện quan trọng đang được triển khai, như Cụm dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 (Bình Thuận); các dự án điện Duyên Hải 1, 3 (tại Trà Vinh) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Ngoài ra, còn có các dự án Long Phú 1, 2 (Sóc Trăng); các dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, 3 (Hậu Giang)…

Mỗi dự án như vậy có công suất khoảng 1.200 MW, đang trong quá trình triển khai xây dựng. Toàn bộ khu nhiệt điện khu vực Ô Môn (Cần Thơ) có tổng công suất khoảng 3.600 MW, hiện đã vận hành 600 MW. Trong vòng 3 năm nữa, các nhà máy này sẽ hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cho miền Nam lên khoảng trên 20.000 MW.

Ngoài ra, miền Nam còn có những dự án tại chỗ đạt khoảng 10.000 MW, như khu điện lực Phú Mỹ (1.600 MW), khu điện lực Nhơn Trạch (3.000 MW), khu Cà Mau (khoảng 3.000 MW) và một số nhà máy mới đang triển khai.

Tại khu vực miền Trung đã hoàn thành Dự án Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW). Quảng Trạch hiện có 2 dự án, mỗi dự án khoảng 200 MW do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư. Một loạt dự án do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư đang chuẩn bị triển khai như Dự án Vũng Áng 3 của Tập đoàn Samsung, các dự án do các nhà đầu tư Hàn Quốc và Singapore thực hiện tại Quảng Trị và Dung Quất. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, các dự án này có thể xây dựng xong.

Miền Bắc cũng có một loạt dự án đang triển khai như Thái Bình 1 do PVN đầu tư, Thái Bình 2 do EVN đầu tư. Dự án Na Dương 2, Mông Dương 1, 2 đã được nhà đầu tư Mỹ và Hàn Quốc đầu tư xong. Các dự án khác như Hải Phòng 3 (công suất 2.400 MW) do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư, nhưng chưa triển khai. Tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) có 2 dự án, mỗi dự án khoảng 600 MW, đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Hiện tại, một dự án đã vận hành, một dự án đang triển khai.

Như vậy tính cả 3 miền , dự kiến tới năm 2020, tổng công suất sẽ đạt trên 55.000 MW. Với tốc độ tăng trưởng GDP như những năm gần đây và dự báo những năm sắp tới thì điện sẽ đủ cung cấp cho sản xuất và dự phòng để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, thông tin tại VBF cho rằng, các dự án điện như Duyên Hải 1, 3; Long Phú 1; Vĩnh Tân 1; Vân Phong 1 được xem là những dự án có thể bị trì hoãn đến năm 2020 mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn. Tại diễn đàn này, Bộ Công thương cũng cho biết, năm 2016 sẽ tăng giá điện theo giá thị trường. Vậy phương án này có đảm bảo thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện, giảm thiểu dự án bị trì hoãn, thưa ông?

Ngành điện đang có nhiều bất cập. EVN, PVN và Vinacomin hiện là 3 tập đoàn trụ cột đầu tư. Trong đó, EVN là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm tới 80% tổng vốn đầu tư. Mỗi năm, EVN đầu tư khoảng 140.000 tỷ đồng.

Tính riêng năm 2015, dự kiến, EVN lãi khoảng 3.000 tỷ đồng. Số tiền này không là gì so với số tiền đầu tư mới mỗi năm. Tính riêng vốn đối ứng cho một dự án điện có công suất khoảng 1.200 MW sẽ mất hơn 20.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn đầu tư cho ngành điện trước đây sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, nhưng Nhật Bản vài năm gần đây đã giảm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Do vậy, chúng ta đang phải vay thương mại từ WB, ADB, vay song phương từ các nước phát triển như Đức, Pháp, Thụy Sĩ… để đầu tư mới.

Nếu không tăng giá điện sẽ gây ra nhiều bất lợi. Thứ nhất, ngành điện nói chung không có tiền để tái đầu tư. Thứ hai, giá điện hiện chỉ khoảng 8 UScent/kWh, trong khi yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế là giá điện phải từ 10

UScent/kWh trở lên họ mới đầu tư. Do đó, Chính phủ đang làm việc với Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN để đưa ra mức tăng hợp lý, đảm bảo tích lũy cho ngành điện trong nước cũng như hấp dẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài và không không gây sốc cho nền kinh tế.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi ngành điện phụ thuộc nhiều vào EVN?

Tại Nhật Bản, có khoảng 10 nhà đầu tư lớn trong ngành điện. Mỗi nhà đầu tư có hệ thống truyền tải điện riêng và có hệ thống liên kết giúp người mua có thể tự do lựa chọn nơi mua điện.

Tại Việt Nam, hệ thống lưới điện của EVN đã phủ khắp cả nước. Nếu nhà đầu tư nước ngoài vừa đầu tư nhà máy, vừa đầu tư hệ thống lưới riêng thì có thể bán điện mà không phụ thuộc và EVN. Tuy nhiên, việc này khó khả thi và thực tế,  các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam như Tata, Samsung… vẫn phải bán điện cho EVN.

Mô hình như ở Việt Nam đang được thực hiện tại Hàn Quốc, Pháp hay Thái Lan. Theo đó, Nhà nước đưa ra chính sách và điều hành giá cho hợp lý, hài hòa lợi ích các bên liên quan và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điện.

Tin bài liên quan