Lo ngại kéo - xả

Lo ngại kéo - xả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ, thể hiện rõ tình trạng khan tiền và tâm lý phòng thủ của nhiều nhà đầu tư.

Thử thách khắc nghiệt

Đa số nhà đầu tư có dấu hiệu mất phương hướng khi không có thông tin đáng kể nào ở trong nước để xác định hướng đi của thị trường chứng khoán nên tiếp tục nhìn vào chỉ số Dow Jones trên thị trường Mỹ để giao dịch.

Đáng lưu ý, thị trường trong nước có diễn biến tiêu cực hơn nhiều thị trường Mỹ khi VN-Index liên tục sụt giảm, các nhịp tăng điểm trong phiên mang dấu ấn kéo - xả, khiến tâm lý nhà đầu tư vừa mới lạc quan lại chuyển sang bi quan.

Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán sau khi giảm sâu đã thu hút dòng tiền và tăng giá, với luận điểm là chỉ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) lùi về mức thấp, phần lớn dưới 1,5 lần, nhưng cũng không đủ lực để duy trì sắc xanh kéo dài.

Trong đó, phần lớn dòng tiền chảy vào nhóm chứng khoán có khả năng là dòng tiền đầu cơ, bởi lợi nhuận quý II/2022 của các công ty chứng khoán dự kiến không mấy tích cực, vì thanh khoản thị trường trong kỳ giảm mạnh, kèm với đó là hoạt động tự doanh khó khăn, các dịch vụ tư vấn gần như “đứng im”...

Thị trường có dấu hiệu vận động theo cấu trúc của mẫu hình tam giác hướng xuống nhiều hơn là cấu trúc của mẫu hình 2 đáy khiến bên mua dè dặt giải ngân, còn bên bán chấp nhận cắt lỗ.

Thanh khoản kiệt quệ xuống dưới 10.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE tạo ra kỳ vọng ở một bộ phận nhà đầu tư rằng, đáy đang ở đâu đây. Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật, thị trường có vẻ đang vận động theo cấu trúc của mẫu hình tam giác hướng xuống nhiều hơn là cấu trúc của mẫu hình 2 đáy.

Đường xu hướng giảm quanh 1.160 điểm đã được kiểm tra vài lần, trong khi nhịp phục hồi ngắn dần. Điều này có nghĩa, chỉ số đang ở vùng đáy ngắn hạn, nhưng vẫn có nguy cơ tạo đáy mới.

Diễn biến luân chuyển của dòng tiền và thanh khoản thấp cho thấy, dòng tiền đứng ngoài tham gia thị trường chưa nhiều, nhà đầu tư bên mua muốn trả giá thấp hơn nữa.

Vì thế, không ít cổ phiếu được cho là cơ bản tốt đã giảm gần 50% thị giá nhưng vẫn đang trên đường dò đáy. Đơn cử, mã DPG của Đạt Phương trong tuần qua có đến 3 phiên giảm giá sàn. Bên cầm cổ chưa có dấu hiệu sẽ gồng lỗ, dù áp lực từ dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường giảm khá nhiều, bởi tâm lý lo ngại thị trường có thể tiếp tục giảm.

Nhìn chung, dòng tiền giao dịch chủ yếu mang tính chất thăm dò, chứ chưa dám mạnh tay giải ngân. Phiên 5/7, cổ phiếu ngân hàng được kéo lên. Sang phiên 6/7, nhóm bán lẻ, thực phẩm, thép được kéo lên. Dòng tiền luân phiên đảo chiều, kéo giá lên rồi đạp giá xuống ngay trong phiên, giúp thị trường chung không giảm quá sâu, nhưng gây tâm lý ức chế cho nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, vì càng cầm càng lỗ.

Hiện tượng giá cổ phiếu được kéo lên, tạo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội nên mua vào, nhưng rồi giá lại bị đạp xuống, khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an, muốn lướt sóng T+ cũng khó khăn, nên giảm giao dịch, dẫn tới thanh khoản dần cạn kiệt.

Cơ hội dài hạn

Một bộ phận nhà đầu tư đã và đang chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, giá chiết khấu về vùng hấp dẫn và có câu chuyện tăng trưởng cuối năm nay để tích sản trong những nhịp giá rung lắc về ngưỡng hỗ trợ, với tỷ trọng giải ngân từng lần từ 5 - 10%.

Nhìn lại đợt điều chỉnh từ đầu tháng 4/2022 đến nay, VN-Index đã giảm khoảng 25%. Cả cổ phiếu cơ bản và cổ phiếu có tính đầu cơ cao đều giảm giá. Mức giảm sâu của không ít cổ phiếu xét ở góc độ phân tích kỹ thuật cho thấy sự phi lý bởi tâm lý bán tháo thường xảy ra trong các nhịp sụt giảm.

Trên bình diện chung, mức định giá P/E của VN-Index đã giảm từ 17,34 xuống 12,5. Thông thường, P/E từ 11 - 13 là vùng định giá rẻ của chỉ số, hấp dẫn những nhà đầu tư theo trường phái giá trị, đặc biệt nhà đầu tư có sức mua lớn với tầm nhìn 1 - 3 năm.

Theo đó, thị trường thời điểm hiện tại thích hợp để chọn lựa “mua của người chán” và trong tương lai là “bán cho người thèm”.

Nhà đầu tư có thể tham khảo một số tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp của Philip A. Fisher, một nhà đầu tư tăng trưởng và nhà quản lý quỹ thành công như: công ty có sản phẩm, dịch vụ nằm trong thị trường nhiều tiềm năng; ban lãnh đạo luôn có kế hoạch để duy trì vị thế của công ty; doanh nghiệp quan tâm tới hoạt động nghiên cứu và phát triển; doanh số (khâu bán hàng), biên lợi nhuận ròng hoặc có những thế mạnh vượt trội so với các đối thủ cùng ngành; công ty có khả năng duy trì biên lợi nhuận ròng trong dài hạn; công ty đối xử tốt với người lao động; cơ cấu cổ đông cô đặc; cơ cấu chi phí hợp lý; công ty chú trọng tới lớp lãnh đạo kế cận; bộ máy hoạt động minh bạch.

Tin bài liên quan