Dòng tín dụng cho chứng khoán từ ngân hàng đang có xu hướng giảm dần.

Dòng tín dụng cho chứng khoán từ ngân hàng đang có xu hướng giảm dần.

Lo ngại dòng tiền trước quy định mới

Ngày 19/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành Công văn số 1204 về việc chấn chỉnh một số hoạt động của các CTCK, trong đó yêu cầu CTCK thực hiện nghiêm túc Công văn số 990 ngày 27/5 về việc dừng ký mới hợp đồng giao dịch kỳ hạn (repo). UBCK sẽ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Điều này đã làm gia tăng tâm lý lo ngại trên thị trường khi dòng tiền có dấu hiệu suy giảm.

Sau phiên giao dịch kỷ lục với 101,7 triệu đơn vị chứng khoán được chuyển nhượng, trị giá 3.481,1 tỷ đồng ngày 10/6 trên HOSE thì lượng cầu không còn mạnh như trước, thay vào đó, lượng cung tăng dần với khối lượng áp đảo. Số phiên điều chỉnh giảm tăng lên với mật độ dày hơn. Trong 9 phiên giao dịch gần đây, thị trường chỉ tăng có 3 phiên, còn lại là 6 phiên đỏ sàn…

Với động thái trên của UBCK, nhà đầu tư không được thế chấp chứng khoán để vay tiền, làm giảm tốc độ quay vòng của dòng tiền trên thị trường. Thực tế, dòng tiền từ các khoản cầm cố, thế chấp trong vài tháng qua đổ tiếp vào chứng khoán là một trong những nguyên nhân khiến thị trường đạt được những phiên giao dịch có giá trị và khối lượng kỷ lục. Khi dòng tiền này bị thắt lại, lượng cầu đổ vào sẽ không thể dồi dào như trước. Những hợp đồng kỳ hạn mà các CTCK và khách hàng ký với nhau thường có thời hạn 3 tháng. Trong thời điểm tháng 6 và tháng 7, phần lớn  hợp đồng này sẽ hết hạn, nhà đầu tư sẽ phải bán ra để hoàn trả, đáo hạn hợp đồng cho các CTCK. Trong khi đó, những hợp đồng kỳ hạn mới lại không được ký kết nên dòng tiền mới đổ vào thị trường có nguy cơ giảm sút đáng kể.

Một số biện pháp khác mà nhiều CTCK đã triển khai hỗ trợ nhà đầu tư như thanh toán T+2, cho vay ký quỹ cũng đang được các công ty hạn chế dần, nhất là sau khi TTCK đạt được mức phục hồi ấn tượng. Hơn nữa, lãi suất cho vay đối với nhà đầu tư hiện nay khá cao. Tham khảo từ một số CTCK, lãi suất cho vay cầm cố cho các hợp đồng dưới 15 ngày là 1,3 - 1,4%/tháng, với các hợp đồng cho vay cầm cố trên 15 ngày là 1,2 - 1,3%/tháng. Mức lãi suất này sẽ không khuyến khích nhà đầu tư tiếp tục cầm cố và repo cổ phiếu tại các CTCK nữa.

Dòng tín dụng từ ngân hàng cũng đang có xu hướng giảm dần do tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nhanh. Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt 14,9%, trong khi chỉ tiêu công bố đầu năm của ngành ngân hàng trong năm 2009 là 21 - 23%. Mới đây, Chính và và Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất khống chế tăng trưởng tín dụng năm 2009 dưới 30%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, bình quân mỗi tháng tăng trưởng tín dụng chỉ được ở mức 2%, bằng một nửa mức tăng trong tháng 5.

Ngoài ra, NHNN đã yêu cầu ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ hoạt động an toàn vốn, đồng thời đi thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ lãi suất nhằm đảm bảo hiệu quả, tránh cho dòng vốn này chảy sang chứng khoán. Còn với các hoạt động cho vay chứng khoán và cho vay tiêu dùng, lãi suất đang được giữ ở quanh mức 15%/năm, đây chưa phải là mức lãi suất khuyến khích nhà đầu tư tiếp tục vay tiền để đổ vào chứng khoán trong giai đoạn khá rủi ro này. Bên cạnh đó, để có thể hạn chế tín dụng thì hạn chế cho vay chứng khoán có lẽ là lựa chọn đầu tiên của các ngân hàng.

Như vậy, diễn biến của dòng tiền nêu trên không phải là một tín hiệu tốt đối với TTCK. Dòng tiền mới bổ sung và quay vòng trở lại thị trường không nhiều, không bù đắp được dòng tiền đã và sẽ rút ra. Khối lượng giao dịch giảm và TTCK có xu hướng đi xuống khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi ra quyết định mua vào.